Vậy đã ngày thứ
3 tham gia "Tuần lễ quân đội". Mới 5h sáng các bạn đã dậy rồi. Ở nhà
có khi còn ngủ nướng đến tận trưa, nhưng ở đây kỷ luật quân đội có khác, dậy sớm,
chăn màn thì được gấp vuông vắn như chiếc bánh chưng. Chờ mãi mà chưa thấy kẻng,
các chiến sỹ tranh thủ ngồi kể chuyện, toàn bạn mới mà!
Hôm nay lần đầu
tiên được ra sân tập thể dục vì hôm qua trời mưa. Các động tác mới mạnh mẽ, khỏe
khoắn làm sao, mình phải cố nhớ để hôm sau về truyền lại cho mấy đứa bạn mới được...
Một ngày đáng
nhớ của các chiến sỹ nữ, chắc là chưa quen nên mấy cô nàng gấp chăn màn không đúng
và méo quá, phải gấp lại. Ngại quá đi mất, sao các bạn khác gấp đẹp thế mà mình
lại thế này? Thôi phải cố gắng để ngày mai còn "phục thù" nữa chứ.
7h00: Bài học
hôm nay các chiến sỹ được nghe là nói chuyện về quân đội nhân dân Việt Nam. Nghe chú Bỉnh
nói mà các chiến sỹ cứ mắt chữ o mồm chữ a, lâu nay chỉ được nghe qua sách báo
và các thầy cô, nhưng hôm nay các bạn mới có dịp hiểu rõ hơn. Thật đáng khâm phục
và tự hào biết bao những người chiến sỹ quân đội, những anh bộ đội cụ Hồ đã không
tiếc máu xương để làm nên những chiến công lẫy lừng, giành lại hòa bình độc lập
cho dân tộc. Được khoác trên mình bộ quần áo giống các chú bộ đội, các chiến sỹ
cảm thấy hãnh diện quá và tự hứa với lòng mình trong thời gian ở Trung tâm này
sẽ cố gắng rèn luyện để trở thành người chiến sỹ quân đội thực thụ.
14h00: Chiều
nay các chiến sỹ được lắng nghe chú Phong triển khai các chế độ trong ngày,
trong tuần và tập đội hình đội ngũ. Ồ hóa ra làm bộ đội có quy định nghiêm ngặt
thế này, thế mà lâu nay mình chẳng biết. Thảo nào nhìn chú bộ đội nào cũng chững
chạc, rắn rỏi và nghiêm trang, mình phải chấp hành đúng nội quy để giống với các
chú. Bố mẹ ở nhà biết được chắc cũng tự hào về mình lắm đây.
Tiếp tục được
các cô chú điều phối viên tập bài dân vũ "Múa gối". Mới đầu các động
tác cứ loạn cả lên nhưng vài lần là thuộc ngay, toàn những bạn thông minh và có
năng khiếu mà! Học cả ngày cũng thấm mệt mà được đấm bóp qua các điệu múa cảm
thấy nhẹ nhõm cả người. Xong các chiến sỹ nhí còn được ôn lại bài "Rửa
tay" nữa, bạn nào cũng khoe tay mình đã sạch lắm rồi.
Trò chơi
"Chuyền 6" được các chiến sỹ hưởng ứng sôi nổi. Các tiểu đội lần lượt
thi đấu với nhau cùng sự cổ vũ mạnh mẽ của các bạn. Lần đầu tiên được chơi trò này
ai cũng vui vẻ và hết mình. Bạn nào cũng cố hết khả năng, quyết tâm chiến thắng
vì màu cờ sắc áo, với lại còn thể hiện với các bạn nữ xinh xắn, dễ thương nữa chứ! Tối nay viết thư phải kể hết cho bố
mẹ nghe mới được.
19h00: Đại đội
tập trung tại hội trường để sinh hoạt buổi tối. các chiến sỹ xem các video clip
về tình cảm, sự hy sinh của cha mẹ giành
cho con cái và được hướng dẫn viết bức thư đầu tiên về cho gia đình. Qua những
câu chuyện kể về những đoạn video clip ngắn, các anh chị phụ trách đã cho các
em hiểu được thế nào là sống để yêu thương, để cảm nhận, sẻ chia, để biết giữ gìn
và trân trọng những gì mình đã và đang có.
Tiếng nhạc lúc
trầm, lúc bổng, dạt dào và da diết như nỗi lòng của các em dành cho gia đình.
Những giọt nước mắt lăn dài, tiếng sụt sịt đâu đó như tiếng lòng...Các em đặt bút
viết bức thư đầu tiên về cho gia đình thân yêu của mình... Ngày... tháng... năm...
Bố mẹ kính mến, con rất nhớ bố mẹ... Bố mẹ có khỏe không?...Có những bạn nói lên
tâm tư rất thật "Thời gian qua con đã nhiều lần phạm lỗi. Bố mẹ đánh mắng,
nhiều lúc con oán trách tại sao bố mẹ đánh nhiều mà đau thế. Con không nhận ra
rằng bố mẹ thương con đến nhường nào, nhiều đến thế nào, ...", những dòng
cảm xúc cứ dạt dào, lắng đọng trong từng trang giấy. Tuy nhiên, có những bạn vẫn
chưa thực sự có cảm xúc, không biết diễn đạt thế nào, lúng túng... Ngày mai,
khi nhận được thư của bố mẹ, sẽ tiếc lắm vì chưa kịp nói được những lời yêu thương,
chưa diễn tả được cảm xúc trong lòng mình.
Các chiến sỹ
sau khi viết những lời yêu thương, tâm sự, thăm hỏi gia đình bỏ vào phong bì thư
của mình và viết tên người nhận vào phong bì thư của mình và viết tên người nhận
vào phong bì đó và bỏ vào thùng thư. Anh Nguyễn Cường - Bí thư đoàn xã Thọ Lâm
sẽ là "bác" đưa thư đem tình cảm, những lời yêu thương, xúc cảm của các
em về với gia đình, chỉ khác "bác" đưa thư này không chỉ đưa thư đến đúng
địa chỉ người nhận mà còn gặp gỡ, chuyện trò chia sẻ với họ nữa. Ngày mai, tại
văn phòng Huyện Đoàn (nơi nhận thư) có lẽ sẽ nóng lên bởi quá nhiều cung bậc cảm
xúc của những bậc làm cha, làm mẹ khi nhận được bức thư của con mình...