Năm
1958, tôi dược chuyển qua lực lượng cảnh vệ, được đề bạt lên Phó cục
trưởng Cục cảnh vệ. Cũng trong năm đó Bác Hồ có những chuyến công du
quan trọng ra nước ngoài, trước là Ấn Độ, sau đó là Miến Điện, tôi là
một trong những người may mắn được tháp tùng.
Lần đầu tiên trong đời tôi được bảo vệ
Bác đi công tác nước ngoài chính là chuyến Bác đi thăm Ấn Độ. Đội bảo vệ
tất thảy có 7 người. Hôm đó còn có anh Vũ Kỳ đi nữa. Khi đi máy bay, do
mùa rét nên Bác mang giày vải cho ấm chân. Nhân lúc đó, anh Vũ Kỳ bàn
với tôi mang đôi dép cao su của Bác dấu đi. Hồi đó, chúng tôi chỉ nghĩ
đơn giản: sao Bác lại mang đôi dép cao su đi ra với thế giới, phải có
giày lễ tân sang trọng mới được. Thế nhưng, khi máy bay gần đến Niu
Đêli, Bác hỏi dép của Bác đâu. Do muốn đặt Bác trước tình thế chuyện đã
rồi (phải mang giày) nên anh Vũ kỳ thưa với Bác là dép đang để ở dưới
bụng máy bay. Ai ngờ, Bác không chịu! Bác bảo: “Các chú làm vậy là không
được”. Khi máy bay vừa đáp Bác bảo lấy đôi dép cao su cho bằng được thì
thôi. Khi viếng mộ Gandi, theo quy định chung khách vào thăm phải để
giày dép ở bên ngoài. Tuy nhiên đối với Bác người lễ tân dặn cứ mang dép
vào, song Bác không chịu. Lúc Bác cởi dép ra, một tình huống náo loạn
ngoài dự kiến đã xảy ra. Cảnh nhà báo chen lấn nhau để quay phim, chụp
ảnh cho bằng được đôi dép của Người. Rồi nhân dân Ấn Độ nữa, họ chen
nhau đưa tay lên sờ đôi dép như thể chớp lấy thứ thuốc “trường sinh bất
lão!”. Tôi và anh em bảo vệ phải vất vả lắm mới “bảo vệ” được đôi dép
của Bác. Còn nhớ cũng lần đi đó, vợ chồng vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ấn Độ
được Bác Hồ đồng ý tiếp, họ rất xúc động. Nhìn Bác đi đôi dép cao su
hai vợ chồng họ nghẹn ngào: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt
đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!”.
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Hoài
Báo Gia đình – Xã hội số 40,18 – 22 – 5 – 2001)