Tổ chức hội trại
Hội trại là một loại hình hoạt động vui
tươi hấp dẫn và lôi cuốn đối tượng vì nó giúp cho họ có những buổi sinh
hoạt cộng đồng bổ ích, những đêm giao lưu ấn tượng, những ngày đắm mình
vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của những di tích lịch sử
văn hóa, những cảnh đẹp quê hương, các lễ hội truyền thống của dân tộc…
Do đó,hội trại không thể thiếu trong các hoạt động của thanh thiếu niên
chúng ta hiện nay.
I. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ
1. Bước 1: Nắm số liệu cần thiết để lên kế hoạch hội
trại, gồm các ý:
- Nắm mục đích yêu cầu của hội trại: tức hội trại diễn ra để
làm gì? Để tập huấn, để tổng kết, để giao lưu, để chào mừng các ngày lễ
lớn, để tự rèn luyện đội nhóm mình đang phụ trách, hay kỷ niệm ngày
truyền thống nào đó…
- Dự kiến hình thức, quy mô, tính chất của hội trại: tức hình thức gì,
quy mô cỡ nào, tính chất ra sao? (nội dung này có liên quan đến nhiều
yếu tố như kinh phí, đối tượng, thời gian, địa điểm…)
- Chọn địa điểm: nên chọn cho phù hợp với từng hình thức: tham quan thì
địa điểm phải mới, truyền thống thì nên ở gần (phải nắm được các đặc
điểm thuận lợi, khó khăn của đất trại để có hướng khắc phục).
- Thời gian, thời điểm: lúc nào là thuận tiện, bao lâu là phù hợp (cần
chú ý lượng thời gian nhất định bố trí cho khâu di chuyển, ăn uống ngủ
nghỉ…)
- Phương tiện phục vụ hội trại gồm: phục vụ ăn, nghỉ (hình thức ăn,
nghỉ…); phục vụ hoạt động (âm thanh, ánh sáng, đàn…); phục vụ sức khỏe
(thuốc, bông băng…); phục vụ di chuyển (xe…); các loại khác (tổ chức trò
chơi, quà thưởng, lưu niệm…)
- Nắm đối tượng: số lượng, tuổi, giới tính, nghề nghiệp… đặc biệt là
trình độ kỹ năng sinh hoạt trại (nó giúp ta thiết kế các hoạt động vừa
sức và phù hợp)
- Dự kiến các thành viên của ban tổ chức và các ban khác nếu cần như:
ban giám khảo, ban hoạt động, ban hậu cần, ban thi đua, ban trật tự… Nên
chọn các thành viên đủ năng lực và phù hợp với công việc.
- Dự kiến kinh phí: nắm được tổng kinh phí bao nhiêu? Nếu phải đóng góp,
mỗi cá nhân phải góp bao nhiêu là vừa, có vận động tài trợ không? Xin
được bao nhiêu nếu có?
2. Bước 2: Viết kế hoạch
Từ các số liệu trên ta tổng hợp lại thành kế hoạch cụ thể. Viết kế hoạch
gồm các ý sau:
- Mục đích, yêu cầu của hội trại.
- Nội dung hình thức hoạt động gồm:
+ Nội dung: nội dung chính, phụ.
+ Hình thức: tên trại, trại ca, khẩu hiệu, biên chế tổ, nhóm…
+ Thành phần: số lượng tham dự.
+ Thời gian: bao lâu? từ lúc nào?
+ Địa điểm: ở đâu?
+ Phương tiện di chuyển, ăn, ở…
- Lên chương trình hoạt động chi tiết:
Ví dụ:
Thời gian - Nội dung - Địa điểm - Nhân sự phụ trách - Ghi chú (bắt
đầu từ lúc diễn ra đến khi kết thúc hội trại)
- Lập ra ban tổ chức, ban giám khảo…: lập danh sách cụ thể, giao trách
nhiệm
- Lập danh sách những người tham gia: nên có danh sách, đơn vị, tổ hoạt
động, địa chỉ cơ quan, gia đình vì sẽ trình báo địa phương nơi cắm trại,
đồng thời giúp ban tổ chức quản lý chặt chẽ người dự trại.
- Soạn nội quy: cần soạn nội quy quy định các việc phải làm và không
được làm (nên ngắn gọn dễ nhớ).
- Dự trù kinh phí: phải thật chi tiết, tránh thiếu và phát sinh kinh phí
mới.
- Tiến độ và biện pháp thực hiện: nêu tiến độ gắn liền với thời gian cụ
thể để tiện theo dõi.
3. Bước 3: Duyệt và phổ biến:
Sau khi xong kế hoạch cần thực hiện tiếp các nội dung sau:
- Thông qua kế hoạch: để thông qua kế hoạch nên mời người đại diện cấp
trên, đại diện các cơ quan có người tham dự trại, các thành viên trong
ban tổ chức… cùng bàn bạc góp ý.
- Tiền trạm: ban tổ chức, cấp trên, đại diện người đi trại đi tiền trạm
để nắm địa điểm, kiểm tra các nội dung dự kiến tổ chức trong trại.
- Hoàn chỉnh kế hoạch: từ các góp ý trên, ta hoàn chỉnh lại kế hoạch lần
chót trình lãnh đạo duyệt.
- Phổ biến: gởi cấp trên để báo cáo, gởi ban tổ chức để thực hiện, gởi
các đơn vị, cá nhân biết để chuẩn bị tham gia tốt các nội dung đề ra.
- Tổng kiểm tra: kiểm tra đồng bộ; kỹ lưỡng các bộ phận trước khi xuất
phát hội trại.
Quá trình diễn ra hội trại thường gắn với 2 mảng lớn: kế hoạch trại (đã
trình bày ở trên) và điều hành trại (khi trại diễn ra). Một số việc cần
lưu ý khi trại diễn ra sau đây:
- Bán kế hoạch mà thực hiện, tránh tự ý thay đổi vì các nội dung đã được
duyệt và thống nhất.
- Các việc làm xong nên họp rút kinh nghiệm ngay, nhất là buổi đầu để
chấn chỉnh kịp thời các việc phát sinh về giờ giấc, kỷ luật.
- Các nội dung (nếu có thi đua) ban tổ chức cần hết sức khách quan công
bằng nếu không sẽ dễ đổ vỡ cuộc chơi.
- Tránh tuyệt đối hiềm khích với người địa phương, hết sức lưu ý chế độ
trực - nhất là trực đêm của trại sinh lẫn ban tổ chức.
- An toàn tính mạng, sức khỏe mọi người là yêu cầu mà ban tổ chức, mọi
thành viên phải lưu tâm hàng đầu trong các hội trại.
II. NỘI DUNG CỦA HỘI TRẠI
Hội trại truyền thống thường bao gồm những nội dung hoạt động
sau:
1. Khai mạc hội trại:
- Các đơn vị tham gia hội trại tập trung về địa điểm tập kết làm lễ khai
mạc.
- Chào cờ, hoạt cảnh truyền thống: tùy theo chủ đề của hội trại để dựng
hoạt cảnh truyền thống phù hợp (như hoạt cảnh truyền thống về chiến
thắng lịch sử Điện Biên Phủ, về chiến thắng 30/4, về những chặng đường
lịch sử vẻ vang của Đoàn…)
- Trại trưởng đọc lời khai mạc
- Đồng diễn thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, múa tập thể… (tùy
theo điều kiện của đơn vị để lựa chọn tiết mục thích hợp).
- Các quan khách và ban chỉ huy đi thăm, chấm điểm trại của các đơn vị.
2. Các hoạt động của hội trại:
- Đi tham quan các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của địa
phương.
- Viếng mộ liệt sĩ, thăm các gia đình có công với cách mạng, các Bà mẹ
Việt Nam anh hùng…
- Tổ chức các cuộc thi: nấu ăn, cắm hoa, thi ca hát, múa đôi, các hoạt
động thể dục thể thao như chạy, nhảy, kéo co… thi làm thơ, kể chuyện…
- Tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các đơn vị để nghe kể chuyện
truyền thống, ca hát, vui chơi…
- Tổ chức lửa trại: đây là một hoạt động dễ tạo hứng thú, gây ấn tượng
sâu sắc cho trại viên. Xung quanh ánh lửa bập bùng, trong đêm khuya mọi
người hướng về cội nguồn, trò chuyện, ca hát, nhảy múa…
Khi lửa gần tàn, trại trưởng kể chuyện tàn lửa hoặc có thể tổng kết các
hoạt động của hội trại, phát thưởng cho các đơn vị. |
|