|
Bắt
đầu buổi Lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt ca ngợi cuộc đời và sự
nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TH).
|
Buổi Lễ được truyền hình trực tiếp qua sóng truyền hình, phát thanh để nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên
Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang;
nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính
trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện
Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị;
nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh
đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội; các cán
bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện Đoàn Ngoại giao; đại diện
lãnh đạo tỉnh Nghệ An – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng đông đảo
đại diện các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Buổi Lễ bắt đầu với chương trình nghệ thuật đặc biệt, ca ngợi cuộc đời
và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể
hiện tình cảm yêu kính, lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân ta đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ
thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt
Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới; nguyện
tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, vững
bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí
Minh - một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu
nước, về phẩm chất Cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng
trong sáng, sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê
giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước
mất, nhà tan, Hồ Chí Minh đã sớm hấp thụ truyền thống văn hóa của dân
tộc mà giá trị tập trung nhất là lòng yêu nước thiết tha, ý chí đấu
tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, tinh thần khoan dung nhân ái, cố
kết cộng đồng... Chính nền văn hóa ấy là một cội nguồn hun đúc nên nhân
cách Hồ Chí Minh và là một nguồn gốc hình thành, phát triển tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc
lập, tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa
lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các
cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Chính cuộc hành trình này đã
giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự
áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức
giai cấp rõ rệt. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách
tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ
bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp,
giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: TH).
|
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam,
cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và
việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước do dân làm
chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy
năm châu, chấn động địa cầu", giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng
hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng
lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc
tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công lao của Chủ tịch Hồ Chí
Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng
trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết
lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối
cùng. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ
sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ
Chí Minh; và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc
Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ
Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chiến lược thiên tài mà còn là
nhà hoạt động thực tiễn kiệt xuất. Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn
luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng nền Cộng hoà Dân chủ Việt Nam,
xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tổ chức và huấn luyện các
lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, thiết lập quan hệ với các dân tộc
trên thế giới. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn
khó khăn gian khổ, anh dũng đấu tranh, giành hết thắng lợi này đến thắng
lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang…
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ
chức kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài của
cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh là lý luận nhưng không
giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với
thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ
hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là
một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh, đồng
thời là một nhà thực tiễn giàu lý luận khoa học. Ở Người có sự thực
tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Người đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc,
tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, cốt nắm lấy cái
tinh thần, cái bản chất, vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp
của chủ nghĩa Mác - Lênin để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối
sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể và cả những
vấn đề cụ thể của Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong
sách vở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp
giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu
tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa
bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà
không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân
thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân
trọng và những lời nói tốt đẹp nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm đất nước ta đã trải qua gần 30 năm đổi
mới, trong bầu không khí hào hùng và xúc động của những ngày kỷ niệm lớn
của dân tộc, đặc biệt là kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, 40 năm
Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm thắng
lợi của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị tiến tới Đại
hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp
của Nhà nước, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao
năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ
thống chính trị vững mạnh…; thực hiện mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện tuyệt đối trung thành với lợi ích của
dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh như chính Người đã khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng
dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"; "chỉ có
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc
bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới"; chủ nghĩa Mác - Lênin là
"chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất", là "cái
cẩm nang thần kỳ", là "cái la bàn", là "trí khôn" của Đảng ta; nó là "vũ
khí tinh thần" của giai cấp công nhân, là kim chỉ nam cho hành động
cách mạng. Bác nhiều lần căn dặn: "Đảng ta không có lợi ích nào khác
ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân"; "mỗi đảng viên và cán bộ phải
thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư... Chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng "như
giữ gìn con ngươi của mắt mình"; đồng thời hết sức chăm lo xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần "Đoàn kết, đoàn kết, đại
đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công"... Mỗi cấp uỷ, mỗi cán
bộ, đảng viên thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan
điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời
dạy của Người, thì nhất định Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững
mạnh, khắc phục được những nguy cơ của một Đảng cầm quyền, giữ gìn được
bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin
yêu, ủng hộ. Đảng ta sẽ có vinh dự lớn mãi mãi là Đảng Cộng sản Việt
Nam, Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo sáng suốt và tin cậy
của cả dân tộc Việt Nam.
|
Các đại biểu trang trọng chào cờ tại buổi Lễ. (Ảnh:TH)
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí
Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn
luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi
với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác
và chức trách của từng người. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng xứng
đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ; mỗi người dân
Việt Nam xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, trong không khí trang trọng, Đại tá Trương Vĩnh
Thăng, 83 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường lái xe
255 Cục ô tô máy kéo, Tổng Cục kỹ thuật Bộ Quốc phòng, người vinh dự
được 2 lần gặp Bác Hồ đã bồi hồi xúc động, chia sẻ những cảm xúc, kỷ
niệm không bao giờ quên về những lần gặp gỡ đó. Sự bao dung, những cử
chỉ, lời nói ân cần, giản dị của Bác Hồ đã có ý nghĩa giáo dục sâu sắc
đối với riêng ông. Hai lần trực tiếp được lái xe phục vụ Bác, ông đã
thấm thía lời dạy của Bác, đó là phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm
trong công việc được giao và phải biết quan tâm đến người khác. Lời dạy
của Bác mãi mãi được ông khắc ghi trong lòng, không bao giờ quên và là
động lực thôi thúc ông tiếp tục tu dưỡng, phấn đấu để xứng đáng với
truyền thống Quân đội, với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Sinh viên Trần Hoàng Mỹ Linh, 01 trong 20 gương mặt trẻ tiêu biểu của
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
chia sẻ: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để tuổi
trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại,
nhân dân anh hùng và tri ân lớp lớp các thế hệ đi trước đã chiến đấu
kiên cường, hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc
của nhân dân. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác
Hồ, thế hệ trẻ Việt Nam nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của dân
tộc, của Đảng, của Đoàn, rèn đức, luyện tài, nguyện phấn đấu hết mình,
cống hiến bầu máu nóng và trái tim tình nguyện cho sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ quê hương, đất nước./.