Bác Hồ nhắc nhở điều đó trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 ngày thành lập Đảng năm 1960. Một nửa thể kỷ đã trôi qua. Thời gian đã đủ để thấu hiểu sâu sắc về điều mong muốn ấy của Bác.
LTS: 3/2/2010, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 80 tuổi. Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đây là Đảng Lao động Việt Nam) đã trải qua những chặng đường lịch sử hết sức vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày nay, sứ mệnh lịch sử đang đặt trên vai Đảng : là chính Đảng duy nhất lãnh đạo đưa đất nước lên một tầm cao mới, một nước Việt Nam "hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Chỉ như vậy, Đảng mới xứng đáng với niềm tin của dân tộc - người đã nuôi dưỡng, xây dựng và bảo vệ Đảng! Đó cũng là một đòi hỏi chính đáng khi Đảng là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài viết, hồi ức, suy ngẫm và kỳ vọng của các nhân sĩ, trí thức, những nhà lãnh đạo của Đảng. Mỗi người một góc nhìn, nhưng tất cả cùng chung một tâm huyết: làm gì để Đảng xứng đáng là Đảng của trí tuệ, Đảng là đạo đức, là văn minh.
Mở đầu, xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Tương Lai:
"Đảng là đạo đức, là văn minh"
Bác Hồ nhắc nhở điều đó trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 ngày thành lập Đảng năm 1960. Một nửa thể kỷ đã trôi qua. Thời gian đã đủ để thấu hiểu sâu sắc về điều mong muốn ấy của Bác. Để là đạo đức và văn minh, Đảng phải là Đảng của dân tộc Việt Nam, và để là Đảng của dân tộc Việt Nam thì Đảng phải là Đảng của trí tuệ Việt Nam. Nhân kỷ niệm 80 ngày thành lập Đảng, xin được nói lên những điều suy ngẫm về chủ đề lớn này trong bài viết dưới đây gồm 4 phần:
1. Trở lại khái niệm về đảng
2. Đảng phải là Đảng của dân tộc
3. Đảng phải là Đảng của trí tuệ
4. Đảng là đạo đức văn minh
Bài 1: Trở lại khái niệm về Đảng
Từ đảng - ý thức đến đảng - tổ chức
Phải trở lại về khái niệm nhằm xác lập một cách nhìn nhận đảng như một thực thể chính trị, một phạm trù khoa học, để có sự phân tích mà không vướng vào một thói quen từ lâu được tạo ra, khiến khi nhắc đến đảng là động chạm đến một khái niệm được sùng kính kiểu "bái vật giáo" với từ "Đảng" viết hoa. Trên bình diện khoa học sẽ có cách lý giải vấn đề một cách khách quan hơn trong tiếp cận chân lý.
Xin bắt đầu bằng "Đường cách mệnh" xuất bản năm 1927, ở đó, Nguyễn Ái Quốc viết: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững mạnh thì cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy."{1}
Có cái nhìn rộng ra hơn chút nữa, Đại Bách khoa toàn thư Pháp định nghĩa về các đảng chính trị như sau: "Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố - nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó - mà người ta sẽ xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy được hình thành trong lịch sử như thế nào".
Xin bắt đầu từ C.Mác, xem thử với ông, khái niệm đảng được hình thành như thế nào: Trong các tác phẩm của ông, có thể nhận ra tư duy về đảng của C.Marx có sự vận động từ "đảng - ý thức" đến "đảng - tổ chức". Đây là dấu ấn ảnh hưởng triết học Hégel về "giai cấp tự nó" phát triển thành "giai cấp cho nó" tức là Đảng.
Khi giai cấp có ý thức tự giác về bản thân mình, về vị trí, thân phận và sứ mệnh lịch sử của mình, thì giai cấp trở thành Đảng.
Vì thế "đảng - ý thức" là nơi các nhà cách mạng "sáng suốt" [giống như thuật ngữ "tiên giác" trong truyền bá đạo lý của nhà Nho] truyền bá lý luận cách mạng và giáo dục công nhân, gắn lý luận với hành động. Từ "Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844" qua "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" cho đến lúc giải thể "Liên đoàn những người cộng sản" năm 1852, quan niệm của C. Mác về đảng của giai cấp vô sản ở quy mô quốc gia cũng như quy mô quốc tế chủ yếu là quan niệm về đảng - ý thức.
Nhưng sau đó, nhất là từ kinh nghiệm thất bại của Công xã Paris năm 1871 thì quan niệm về đảng chuyển rõ sang "đảng - tổ chức" lúc đầu còn có phần lỏng lẻo về sau ngày càng chặt, thể hiện rõ quan điểm Đảng Cộng sản là kết quả của sự kết hợp giữa lý luận cộng sản với phong trào công nhân(về sau Ph.Ăngghen gọi lý luận ấy là "học thuyết Mác").
Quan niệm về giai cấp
Để đi sâu vào vấn đề này, lại phải làm sáng rõ khái niệm giai cấp.
Cũng lại bắt đầu từ C.Mác. Thuật ngữ giai cấp được C.Mác sử dụng lần đầu tiên vào năm 1843, song phải đến 1846 với tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức", được xem như là tác phẩm khai sinh hoc thuyết C.Mác, thuật ngữ này mới được ông sử dụng một cách phổ biến. Tuy nhiên, có một điều mà những người nghiên cứu về C.Mác gọi là nghịch lý cũng từ thuật ngữ này. Trong 2500 trang của bộ "Tư bản" viết về đấu tranh giai cấp, không có một câu nào định nghĩa giai cấp là gì!
Không đưa ra định nghĩa, song đọc kỹ toàn bộ tác phẩm của C.Mác, người ta có thể nhận thấy có 2 quan niệm khác nhau về giai cấp: một là, từ sau chế độ cộng đồng nguyên thuỷ, mọi xã hội của loài người đều là xã hội chia thành những giai cấp khác nhau; và hai là, chỉ trong xã hội tư bản mới có giai cấp. Trước đó, xã hội loài người chia thành đẳng cấp. Mà đẳng cấp thì đóng, cá thể hoá, người nào sinh ra ở đẳng cấp nào là suốt đời ở đó. Còn giai cấp thì mở, phi cá thể hoá, một người có thể chuyển từ giai cấp này sang giai cấp khác như kiểu "giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư " mà "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đã nêu.
Thuật ngữ "giai cấp vô sản", một từ gốc la tinh, xuất hiện từ thời cổ La Mã, được Moses Hess sử dụng năm 1836 và phổ biến trong những người phái tả ở Đức, được C.Mác sử dụng đầu tiên năm 1843 và tiếp liền trong khoảng năm năm, thuật ngữ ấy mang nặng tính triết học. Chẳng hạn như: giai cấp vô sản là "giai cấp đang hình thành, của xã hội tư sản mà không phải của xã hội tư sản, chịu sự bất công tuyệt đối thuần khiết chứ không phải một sự bất công cụ thể, là sự xoá bỏ xã hội và sự xây dựng xã hội, là sự mất đi hoàn toàn chất người và sự chiếm lại hoàn toàn chất người".
Tính "trừu tượng triết học" ấy đưa đến những lý giải triết học về sứ mệnh của giai cấp vô sản và về chủ nghĩa cộng sản: "...sự ra đời của giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp vô sản, nghĩa là sự khốn cùng đã nhận thức được sự khốn cùng tinh thần và thể xác của mình, là tình trạng phi nhân tính đã nhận thức được tình trạng phi nhân tính của mình, do đó mà tự tiêu diệt mình". {2}
Và vì thế, "Chủ nghĩa cộng sản với tính cách là sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu-sự tự tha hoá ấy của con người- và do đó với tính cách là sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người...Nó là sự giải quyết câu đố của lịch sử và biết rằng nó là sự giải quyết ấy" {3}.
Bắt đầu từ "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", quan niệm của C.Mác về giai cấp vô sản đã "kinh tế" hơn, "chính trị" hơn, thiết thực hơn, và là sự khẳng định giai cấp vô sản xuất hiện như tác nhân chính trên sân khấu của lịch sử.
Tuy nhiên, dần dần C.Mác đã thay thuật ngữ giai cấp vô sản (quyển I bộ "Tư Bản") bằng thuật ngữ "giai cấp công nhân" (quyển II, quyển III và quyển IV bộ "Tư Bản") để rồi dần dần thay thế thuật ngữ "giai cấp vô sản" hay "giai cấp công nhân" bằng thuật ngữ "những người làm công ăn lương" (quyển III, bộ "Tư Bản") và về cuối đời, C.Mác sử dụng một khái niệm đã xuất hiện trong tác phẩm "Nội chiến ở Pháp" viết năm 1871: khái niệm "giai cấp những người sản xuất".
Có thể đọc thấy khái niệm đó trong "Lời nói đầu viết cho Bản Cương lĩnh của Đảng công nhân Pháp" đăng trên tờ "Égalité" ngày 30.6.1880 và tờ "Le Prolétaire" ngày 10.7.1880, ba năm trước khi C.Mác qua đời mà về sau này, những nhà nghiên cứu Mácxít xem đó như là "Di chúc chính trị của C.Mác": "Xét thấy rằng giải phóng giai cấp những người sản xuất là giải phóng toàn thể loài người" {4}.
Như vậy là, khái niệm về "người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản" thoạt đầu đóng khung trong thuật ngữ "giai cấp vô sản" đã không "nhất thành bất biến" mà đã biến đổi theo hướng mở rộng ra. Số đông, có thể nói là hầu hết các Đảng cộng sản Âu, Mỹ, đã tiếp thu sự mở rộng nhận thức ấy. Điều ấy là do sự vận động của thực tiễn. Trong những nước tư bản phát triển, "những người làm công ăn lương" cho nhà nước và cho tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, đến 80% và hơn 80% trong tổng lực lượng lao động xã hội.
Lực lượng cách mạng
Sang thế kỷ XX, có 3 thay đổi lớn trong thực tiễn và trong nhận thức về lực lượng cách mạng:
- Các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa bị áp bức mà có nhà nghiên cứu cộng sản coi là giai cấp vô sản của thế kỷ XX, nổi lên đấu tranh đòi giải phóng. Phải chăng vì thế mà V.I Lênin bổ sung lời kêu gọi của C.Mác thành "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại".
- Kết cấu của xã hội hiện đại cho thấy sự phát triển mạnh của nhiều tầng lớp xã hội rất gần với khái niệm "giai cấp những người sản xuất" và "những người làm công ăn lương" mà không phải là giai cấp vô sản nghĩa hẹp.
- Do các dân tộc thức tỉnh và tự khẳng định mạnh mẽ, ngay trong trào lưu toàn cầu hoá kinh tế, dân tộc trở thành động lực và sức mạnh hùng hậu của thời đại. Dân tộc nói đây không chỉ là độc lập dân tộc, mà rộng hơn, còn là ý thức dân tộc, nguyện vọng dân tộc, quyền lợi dân tộc, truyền thống dân tộc, đặc điểm dân tộc, bản sắc dân tộc...
Đảng là gì và của ai?
Từ những vấn đề đang đặt ra mà quay trở lại với chủ đề Đảng đã đề cập ở trên.
Trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"có ba vấn đề liên quan trực tiếp đến chủ đề đang bàn: Một là, "giai cấp vô sản cho nó" tức là "đảng cộng sản, giai cấp có ý thức tự giác" chính là đảng cộng sản. Hai là, giai cấp vô sản thắng lợi tự thiết lập mình thành Nhà nước. Ba là, giai cấp vô sản thắng lợi trở thành dân tộc.
Với nhận thức và thực tiễn về đảng - tổ chức, C.Mác đã sớm xác định Đảng là đội tiên phong có tổ chức của giai cấp công nhân và các lực lượng cách mạng. Ông cũng sớm vạch rõ rằng Đảng cần tiên phong cả về ý thức cách mạng, tinh thần cách mạng và cả về trí tuệ để lãnh đạo xoá bỏ chế độ cũ xây dựng chế độ mới. Đây chính là điểm tựa để nhận thức kỹ về đảng là gì và đảng của ai.
Rõ ràng là trong lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân, cách hiểu khái niệm đảng cũng như khái niệm giai cấp công nhân cũng không hề "nhất thành bất biến", mà luôn luôn vận động và biến đổi. Vì thế, cách gọi "Đảng của giai cấp công nhân" không thể được hiểu một cách máy móc.
Ngay từ năm 1868, tại Đại hội ở Bruxelles của "Quốc tế I" Henri-Louis Tolain, một người thuộc phái Pruđông cánh hữu, đề nghị rằng đại biểu của các đảng quốc gia nhất thiết phải là công nhân lao động chân tay đã lập tức bị bác bỏ để tiếp tục khẳng định đảng cộng sản là đảng liên giai cấp. Trong học thuyết Mác, quan niệm đảng chỉ là của giai cấp vô sản (giai cấp duy nhất cách mạng, như nhận định trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản"), Đảng chính là giai cấp vô sản có ý thức tự giác, đã sớm chuyển thành Đảng của các giai cấp cách mạng. Người ta hay nhắc đến câu nói nổi tiếng của C.Mác: độc ca, độc tấu của giai cấp vô sản thì sẽ là bài ai điếu của cái chết!
Bởi lẽ, muốn đấu tranh thắng lợi thì phải liên minh giai cấp. Giai cấp công nhân, qua đảng cộng sản, phải liên minh và lãnh đạo lực lượng cách mạng đông đảo. Từ liên minh trong hành động cách mạng dẫn đến sự kết nạp những phần tử ưu tú của các tầng lớp xã hội khác vào đảng cộng sản. Liên minh với các giai cấp và tầng lớp trung gian đông đảo lại càng quan trọng hơn nhiều. Ngay cả "một bộ phận của giai cấp tư sản cũng chạy sang hàng ngũ giai cấp vô sản, đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã vươn lên nhận thức được về mặt lý luận toàn bộ quá trình vận động lịch sử"5.
Liên minh công nông là quan trọng nhất. Từ những năm 90 của thế kỷ XIX, liên minh công nông trở thành vấn đề lớn của cuộc sống. Sau khi C.Mác mất, Ph.Ăngghen là nhà lý luận đầu tiên đặt ra yêu cầu "Đảng phải từ thành phố về đồng quê", "Đảng phải trở thành một sức mạnh lớn ở nông thôn", "hãy dành cho người nông dân tất cả thời gian cần thiết để suy nghĩ trên luống cày cá thể của mình"...
Kế tục Ph.Ăngghen, V.I Lênin xem liên minh công nông là nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản, đồng thời chỉ rõ rằng: "Đảng cách mạng của giai cấp vô sản chỉ xứng với cái tên ấy khi liên kết được đảng, giai cấp và quần chúng nhân dân thành một tổng thể gắn bó không thể chia cắt".
Từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, các Đảng Cộng sản trên thế giới đều theo lý luận và chủ trương đoàn kết tất cả mọi giai cấp và tầng lớp xã hội, chống một bộ phận của giai cấp tư sản là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.
Ở nước ta, Nghị quyết Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: "Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều, cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế xã hội. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Gắn với thực tiễn
Xem thế đủ thấy rằng nhận thức về giai cấp và về đảng thường xuyên vận động để phản ánh đúng sự vận động của thực tiễn. Mà thực tiễn thì cao hơn nhận thức lý luận vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp. Vì thế, đúng như C.Mác đã khuyến cáo "vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý".
Trong hành trình tư duy của C.Mác, sự vận động từ giai cấp vô sản, đến giai cấp công nhân, đến những người làm công ăn lương và giai cấp những người sản xuất, rồi từ đảng - ý thức đến đảng - tổ chức chính là hành trình tìm tòi chân lý. Thời kỳ đầu, với khái niệm "giai cấp vô sản" C.Mác quan niệm: "giai cấp vô sản chỉ có thể tồn tại trên quy mô của lịch sử thế giới, cũng như chủ nghĩa cộng sản, tức là hoạt động của giai cấp vô sản, hoàn toàn chỉ có thể tồn tại với tư cách là một tồn tại "có tính lịch sử thế giới".
Ông giải thích: "...Sau khi thắng lợi, giai cấp vô sản dù sao cũng không thể nào trở thành mặt tuyệt đối của xã hội, vì rằng chỉ có sự tiêu diệt và tiêu diệt mặt đối lập của mình thì nó mới giành được thắng lợi. Với thắng lợi của giai cấp vô sản, bản thân giai cấp vô sản và mặt đối lập chi phối nó là chế độ tư hữu, đều tiêu vong"! {6}. Phải chăng về cuối đời, C.Mác nhận ra khái niệm "giai cấp vô sản" không thích hợp để chỉ lớp người cụ thể mình muốn nói, nên đã thay bằng "giai cấp những người sản xuất"?
Liệu khái niệm này đã phản ánh đúng điều mà C.Mác tìm tòi chưa? Không thể trả lời một cách đơn giản, vì sự nghiệp khoa học của C.Mác còn dang dở. Hơn nữa, C.Mác là người mà sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành, chưa hình thành đã sửa chữa. Chính vì thế, đối chiếu với thực tế hiện nay, khi mà ở những nước tư bản phát triển, "những người làm công ăn lương" cho nhà nước và cho tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, đến 80% và hơn 80% trong tổng lực lượng lao động xã hội như đã dẫn ra ở trên, thì khái niệm "giai cấp vô sản" cũng như khái niệm "giai cấp công nhân" trong học thuyết Mác tất nhiên cũng phải thay đổi. Khái niệm giai cấp đã thay đổi thì đương nhiên khái niệm "đảng của giai cấp công nhân" và chỉ của giai cấp công nhân thôi, cũng phải thay đổi.
Cần nhắc lại, trong đại hội họp ở Bruxelles của Quốc tế I, quan điểm cực đoan và máy móc cho rằng đại biểu của đảng nhất thiết phải là công nhân lao động chân tay đã bị bác bỏ. Đấy là chưa nói chính V.I Lênin, chứ không phải ai khác, đã chỉ rõ rằng, những trí thức tư sản tiến bộ mang đến cho giai cấp vô sản ý thức xã hội chủ nghĩa : " Lịch sử tất cả các nước chứng tỏ rằng chỉ do lực lượng độc của bản thân mà thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa...Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh từ các lý luận triết học, lịch sử kinh tế, do những người có học thức trong các giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên. Mác và Ăngghen, những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, do địa vị của các ông, nên chính bản thân các ông cũng thuộc lớp trí thức tư sản". {7}
Ở thời đại của C.Mác, rồi của V.I Lênin đã như vậy, nếu các ông sống trong thời đại của chúng ta, thời đại của nền kinh tế tri thức với những thành tựu như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hoá, không hiểu các ông sẽ đòi hỏi những nhận thức về giai cấp công nhân, về đảng của giai cấp công nhân phải thay đổi như thế nào. Đặt ra câu hỏi này không phải là một giả tưởng nguỵ biện mà là một thực tế. Vì, cũng không ai khác, chính V.ILênin, khi chuyển sang chính sách kinh tế mới (NEP) đã khẳng định: "Toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi" {8}.
Gần một thế kỷ đã trôi qua, thời gian đã sàng lọc, gạt bỏ bao nhiêu ngộ nhận và sai lầm để giúp cho con người đến gần hơn với chân lý cuộc sống.
Mà chân lý là cụ thể.
----
Chú thích :
1. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 2. NXBCTQG.Hà Nội 1995.tr.267
2. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 2. NXBCTQG Hà Nội .1995; tr. 55
3. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 42. NXBCTQG Hà Nội .1995 ; tr.167
4. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 19. NXBCTQG Hà Nội .1995; tr.353
5. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 4. NXBCTQG Hà Nội .1995; tr.610
6. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 2. NXBCTQG Hà Nội .1995; tr.55
7. V.I Lênin Toàn tập., Tập 18, NXB Tiến bộ Matxcơva. 1980 tr. 167
8. V.I Lênin Toàn tập., Tập 45, NXB Tiến bộ Matxcơva. 1980 tr. 428