Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Sở: Lao động - Thương binh
và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh.
Trước khi làm việc với UBND huyện Như Thanh và Thọ Xuân, đồng chí Phó Chủ
tịch UBND tỉnh đã đến thăm và kiểm tra các lớp dạy nghề trồng mộc nhĩ, nấm sò
tại xã Cán Khê, lớp dạy nghề tạo dựng cây cảnh tại xã Xuân Du (Như Thanh); cơ
sở dạy nghề thêu ren, đính cườm tại xã Xuân Quang, mô hình thâm canh lúa cao sản
tại xã Xuân Lai và Trung tâm Dạy nghề huyện Thọ Xuân.
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), theo Quyết định 1956
của Thủ tướng Chính phủ, huyện Như Thanh được UBND tỉnh phê duyệt phân bổ kinh
phí trên 1,7 tỷ đồng. Huyện đã mở 5 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng
lúa cao sản bằng kỹ thuật phân viên dúi sâu, trồng nấm sò và mộc nhĩ, điện dân
dụng. Huyện cũng đã triển khai thí điểm 4 lớp dạy nghề theo hình thức cấp thẻ
học nghề nông nghiệp cho 140 lao động tại xã Xuân Du (xã điểm xây dựng mô hình
nông thôn mới). Trong năm 2011, huyện đã triển khai mở thêm 4 lớp dạy nghề cho
140 lao động địa phương...
Là một trong 2 huyện được UBND tỉnh chọn thí điểm về “Đào tạo nghề cho LĐNT
đến năm 2020”, sau gần 2 năm triển khai đề án, huyện Thọ Xuân đã mở được 23 lớp
dạy nghề cho 816 LĐNT, trong đó có 12 lớp thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp,
các ngành nghề được đào tạo: trồng mía, nuôi lợn, thâm canh lúa cao sản, thêu
ren, đính hạt cườm, gia công đá mỹ nghệ, hàn xì, may công nghiệp... Đa số người
lao động sau khi được học nghề đã có việc làm ổn định, có mức thu nhập bình quân
từ 60-80.000 đồng/ngày (lành nghề), 20-40.000 đồng/ngày (mới học việc). Nhiều
đối tượng sau khi được đào tạo đã được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh
nghiệp như Công ty Cầu Thăng Long, Công ty May Đức Giang và tham gia xuất khẩu
lao động ở nước ngoài...
Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng việc triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT
tại 2 huyện Như Thanh và Thọ Xuân vẫn gặp không ít khó khăn: công tác tuyên truyền,
tư vấn học nghề, việc làm cho lao động đạt kết quả chưa cao; kế hoạch mở các lớp
và kinh phí đầu tư quá ít so với nhu cầu thực tế của các địa phương đăng ký; sản
phẩm chưa có thị trường tiêu thụ nên một số nghề đào tạo không phát triển được;
cơ sở đào tạo, điều kiện dạy và học chưa đáp ứng với yêu cầu và quy mô của kế
hoạch đào tạo, đặc biệt là các địa phương ở xa trung tâm đào tạo; đội ngũ giáo
viên dạy nghề chưa bảo đảm về số lượng, cơ cấu bộ môn để thực hiện nhiệm vụ dạy
nghề.
Tại các địa phương đoàn làm việc, sau khi nghe kiến nghị, đề xuất của các
thành viên trong đoàn, huyện và các đơn vị thí điểm thực hiện Quyết định 1956,
đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt biểu dương những kết quả đạt được
của cấp ủy, chính quyền và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn 2 huyện Như Thanh
và Thọ Xuân trong việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng
chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của việc triển khai đề
án đào tạo nghề là nhằm ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống cho người lao động.
Do đó trong thời gian tới, các huyện cần quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân
lực góp phần phát triển hơn nữa nghề truyền thống để mang lại giá trị kinh tế
cao. Bám sát vào thế mạnh cụ thể của từng địa phương để đưa ra những định hướng
các ngành nghề cần được đào tạo. Nâng cao chất lượng lao động tạo nguồn cho quá
trình xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đến nhu cầu của thị trường, có cơ chế,
chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình tích cực đổi mới, đầu tư
nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiếp tục phát triển nghề may công nghiệp và các
nghề thủ công mỹ nghệ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Gắn
kết việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Đầu tư trang
thiết bị, nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề.
Huy động các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, sớm đưa Trung tâm Dạy nghề
huyện Thọ Xuân thành trường trung cấp nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn
nhân lực của địa phương.