Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, bố bị kẻ xấu lôi
kéo di cư vào Nam để lại người mẹ ốm yếu với 3 người con. Gia đình ông đã được
bà con lối xóm “cộng sản” giúp đỡ. Ông sớm giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi (1971)
ông đã xung phong gia nhập lực lượng TNXP. Hơn 3 năm làm nhiệm vụ mở đường, bảo
đảm giao thông trên tuyến đường 10 “Trường Sơn huyền thoại”, ông đã để lại ấn
tượng đẹp với các đồng đội trong Đại đội 446 Ban XD67. Đó là lần ông dũng cảm
lao vào dập tắt ngọn lửa để cứu chiếc xe xăng đang bị bốc cháy... Ông đã nêu gương
sáng về giúp đỡ đồng đội, “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Cuộc sống trong lực lượng TNXP đã tôi luyện ông thêm niềm tin vào xã hội
mới “dân chủ, công bằng”, giúp ông vững vàng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc
sống thường nhật. Trở về địa phương, do tính năng nổ, tháo vát, ông được bà con
tín nhiệm bầu giữ chức chủ nhiệm HTX mua bán. 17 năm liên tục, năm nào đơn vị
của ông cũng đạt danh hiệu tiêu biểu của huyện.
Khi Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, ông đã làm
được một việc mà ít người dám nghĩ tới, đó là rời nhà lên xã Xuân Phú thuê đất
phát triển sản xuất. Ông đã mạnh dạn thuê một khu đồi rộng hơn chục héc-ta; đã
mua vài trăm lưỡi cày, thuê gần 100 lao động thời vụ vào vỡ đất. Vỡ đất đến đâu,
ông dùng phân cải tạo, đưa vào trồng mía đến đó. Từ 1 ha ban đầu lên 2 ha rồi
4... đến nay gia đình ông đã có tới 10 ha đất đưa vào sử dụng, trong đó có 7 ha
trồng mía, số còn lại là trồng sắn và các loại hoa màu khác.
Để mía có năng suất cao, ông tranh thủ sự hỗ trợ của Công ty CP Mía đường
Lam Sơn đầu tư thâm canh. Khi cây mía mới trồng ông trồng xen lạc vừa có thêm
thu nhập vừa có thêm thân cây đưa vào cải tạo đất. Quá trình được tập huấn và
rút kinh nghiệm sản xuất, ông quyết định đưa các giống mía mới có năng suất, chữ
đường cao vào trồng. Do đó năng suất mía của gia đình ông thường cao hơn 15-20%
so với năng suất mía của bà con trong vùng. Mỗi năm gia đình đã có từ 500 – 600
tấn mía bán cho Nhà máy Đường Lam Sơn. Khi có chút vốn tích lũy, ông Hùng đã mua
2 xe ô tô vận tải, cho con đi học lái xe để vận chuyển mía nguyên liệu về nhà
máy, chuyên chở vật tư, phân bón về đầu tư thâm canh. Bình quân mỗi năm gia đình
ông có nguồn thu 600 triệu đồng. Có vốn, gia đình đã bỏ ra hàng chục triệu đồng
đầu tư mở 3 km đường vào vùng đồi tạo thuận lợi cho việc chuyên chở mía của gia
đình, của bà con lối xóm.
Năm nay, ông Hùng đã lên kế hoạch đầu tư dự án “tưới nước nhỏ giọt” cho toàn
bộ diện tích mía để đưa giống mía mới Quế Đường 94 vào trồng. Kế hoạch thực hiện
chắc chắn sẽ mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao vượt xa mức hiện có. Dù bận
rộn với việc làm kinh tế, nhưng ông vẫn dành thời gian tích cực tham gia các hoạt
động xã hội, hoạt động trong hội cựu TNXP. Ông xứng đáng là tấm gương sống “tốt
đời đẹp đạo”.
Nguyễn Thị Tất
(Hội Cựu TNXP tỉnh)