Một số nghề truyền thống như: Sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác cát,
đá, đồ gỗ... vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; các nghề mới như: Nứa cuốn,
đính cườm, may mặc, thêu, móc sợi... hoạt động có hiệu quả, tạo thêm việc làm
cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với phát triển ngành nghề TTCN, dịch vụ, cơ cấu sản xuất trong nông thôn
đã có bước chuyển đổi, tạo được sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp, chế biến
và dịch vụ, huy động được nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư phát triển, góp phần
giải quyết việc làm ở các vùng nông thôn, tạo cơ sở cho việc hình thành các loại
hình HTX, nâng các loại hình tổ hợp, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân... trên
địa bàn huyện lên 146 doanh nghiệp và 79 HTX (năm 2010).
Trên lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thọ Xuân có xã Xuân Giang
(xã điểm của tỉnh) và 6 xã điểm của huyện. Để thực hiện tiêu chí chuyển dịch cơ
cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp giảm còn dưới 35% trong xây dựng
NTM, các xã đã tích cực khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống, gắn với
việc nhân cấy, du nhập nghề mới phù hợp. Hiện nay, xã Xuân Giang đã du nhập và
phát triển được nghề thêu tranh nghệ thuật, đính cườm xuất khẩu, tạo việc làm
cho hơn 400 lao động; các xã Thọ Lâm, Thọ Nguyên, Xuân Thiên phát triển nghề đan
cót, tre đan thu hút khoảng 1.800 lao động; xã Xuân Bái phát triển nghề mộc dân
dụng với 200 lao động tham gia... Phát triển nghề phụ đã giải quyết việc làm,
tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nhiều lao động địa phương, góp phần từng
bước làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Huyện Thọ Xuân xác định: Đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành, nghề TTCN,
làng nghề là việc làm quan trọng và mang tính chiến lược lâu dài trong quá trình
xây dựng NTM. Năm 2011 được huyện chọn là năm tập trung cho phát triển cụm công
nghiệp (CN) - làng nghề, TTCN và dịch vụ, để tạo sự chuyển biến tích cực trong
phát triển các loại hình ngành nghề, dịch vụ. Huyện đã quy hoạch, hình thành các
cụm CN, làng nghề vừa và nhỏ; các vành đai nghề, dịch vụ, các loại hình gia công
theo công đoạn, chế biến phụ phẩm từ CN, hình thành các vùng nghề, xã nghề dọc
đường Hồ Chí Minh. Huyện ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề
cho lao động nông thôn; tạo điều kiện về nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất; mở
rộng phát triển làng nghề, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng công
tác đào tạo kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho các lao động; tạo lập các mối quan
hệ liên kết, liên doanh, mở rộng các hình thức tiêu thụ sản phẩm để có định hướng
phát triển các loại ngành nghề phù hợp, đạt hiệu quả cao. Đồng thời có giải pháp
chỉ đạo, cơ chế điều chỉnh thích hợp để phát triển các loại hình ngành nghề hiện
có, vừa tập trung mở mang các cơ sở, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
có lợi thế về nguyên liệu, thị trường và phát triển các nghề có khả năng tận dụng
tốt các nguồn lao động ở các vùng còn nặng tính thuần nông. Kết hợp việc quy hoạch,
tổ chức các khu CN-TTCN vừa và nhỏ với các tụ điểm TTCN, dịch vụ, cụm CN - làng
nghề, hình thành đầu mối động lực của vùng, địa phương. Thúc đẩy nhanh quá trình
đô thị hóa nông thôn, tạo lập được hệ thống hạ tầng thuận lợi cho quá trình giao
lưu, thúc đẩy sự phát triển ngành, nghề TTCN, dịch vụ.
Tuy nhiên, việc phát triển TTCN, làng nghề hiện vẫn còn gặp không ít khó
khăn khi giá trị sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Các cơ
sở sản xuất quy mô hộ chiếm tỷ lệ cao, ít doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, công
nghệ thiết bị còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường
tại các cơ sở sản xuất, làng nghề, cụm CN chưa được xử lý triệt để. Mục tiêu của
huyện trong thời gian tới là tiếp tục tạo sự đột phá về phát triển ngành, nghề
TTCN, làng nghề ở nông thôn nhằm giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH và xây dựng NTM; phấn đấu đến năm 2015,
giá trị thu nhập từ CN-TTCN – xây dựng cơ bản đạt 15,4% trở lên trong cơ cấu GDP;
tốc độ phát triển CN-TTCN – xây dựng cơ bản đạt bình quân 20%/năm trở lên, hình
thành được 7 cụm kinh tế với định hướng phát triển kinh tế - xã hội cụ thể từng
cụm.