Từ nhu cầu thực tế để đào tạo nghề
Khác với sự vắng vẻ trên mỗi ngả đường, trong ngôi nhà mái bằng rộng khoảng
60 m2 của gia đình chị Hòa, ở thôn 6, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân lại rộn ràng
tiếng cười nói của các bà, các chị. Vừa nói chuyện, pha trò, song 35 con người
nơi đây ai cũng khéo léo, tỉ mẩn luồn từng đường kim, mũi chỉ, xâu từng hạt cườm
lấp lánh để sớm hoàn thiện bức tranh thêu. Nhìn vào khung cảnh như vậy, ai cũng
đoán đây là một tổ nghề sản xuất, tuy nhiên đây lại là lớp học nghề thêu ren,
đính cườm do chính quyền xã tổ chức nằm trong đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo
QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Vốn là xã thuần nông, bà con chỉ làm nông nghiệp chứ không có nghề phụ gì,
qua khảo sát, UBND xã Xuân Quang nhận thấy nhu cầu học nghề của bà con trong xã
rất lớn, đặc biệt là những nghề có thể tận dụng lúc thời gian nông nhàn. Từ nhu
cầu thực tế, cùng kế hoạch phân bổ của huyện, chính quyền xã Xuân Quang đã mở
lớp dạy nghề thêu ren, đính cườm cho bà con. Chị Lê Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN
xã, cho biết: “Năm 2010 xã đã mở một lớp dạy nghề thêu ren, đính cườm cho 35 học
viên. Năm nay, qua khảo sát thấy đây là nghề rất phù hợp mà đầu ra lại được công
ty bao tiêu luôn, bà con rất muốn được tiếp tục học nghề này, nên xã đã đề xuất
với huyện tiếp tục triển khai mở thêm một lớp nữa. Mỗi chị em đi học không những
học được một nghề để kiếm thêm thu nhập mà còn được Nhà nước hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày”.
Chị Lê Thị Hải, ở thôn 3, phấn khởi khoe: “Cũng như 70 hộ dân trong xã,
gia đình mình vẫn làm nghề thêu ren, đính cườm vào thời gian rảnh rỗi. Công việc
tưởng chừng như thêm thắt như vậy thôi, nhưng mỗi tháng cũng mang về cho gia đình
gần một triệu đồng”.
Xuất phát từ kinh nghiệm ở cơ sở, bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng, huyện
Thọ Xuân luôn chú trọng điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho người
lao động. Ngay từ khi triển khai QĐ 1956, ban chỉ đạo huyện đã tổ chức các lớp
tập huấn nghiệp vụ điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề cho các địa phương.
Chị Lê Thị Huệ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết:
Đào tạo nghề cho LĐNT mang tính đặc thù cao. Bên cạnh đào tạo theo nhu cầu trước
mắt thì việc đào tạo đòi hỏi phải bám sát quy hoạch, chương trình khung với những
tiêu chí chọn nghề phù hợp phục vụ nhu cầu lâu dài cho sự phát triển kinh tế -
xã hội địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở có nhu cầu sử dụng lao động.
Cần sự vào cuộc của nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và doanh nghiệp
Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, qua 2 năm triển khai thực hiện đề án
đến nay toàn huyện đã mở được 23 lớp dạy nghề cho 816 LĐNT, trong đó có 12 lớp
thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp, với các ngành nghề được đào tạo: trồng
mía, nuôi lợn, thâm canh lúa cao sản, thêu ren, đính hạt cườm, gia công đá mỹ
nghệ, hàn xì, may công nghiệp... Đa số người lao động sau khi được học nghề đã
có việc làm ổn định, có mức thu nhập bình quân từ 60 - 80.000 đồng/ngày. Nhiều
đối tượng sau khi được đào tạo đã được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh
nghiệp như Công ty Cầu Thăng Long, Công ty May Đức Giang và tham gia xuất khẩu
lao động ở nước ngoài...
Để có kết quả đó, một trong những nhân tố quan trọng, cốt lõi là sự phối
hợp, liên kết giữa các nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và doanh nghiệp. Cụ thể
là nhà quản lý có nhiệm vụ bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ
trợ cho LĐNT tham gia học nghề. Nhà trường là các trung tâm dạy nghề, các trường
nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT. Nhà nông
là những người nông dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu, nguyện vọng học nghề,
đào tạo các nghề. Đối với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào, đầu ra cho lao động
khu vực nông thôn tham gia học nghề.
Cùng với sự phối hợp trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với
công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh phê
duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 tỉnh Thanh Hóa”, huyện Thọ Xuân
đã tổ chức hội nghị triển khai QĐ 1956 đến lãnh đạo chủ chốt các ngành và 41 xã,
thị trấn; thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án do đồng chí phó chủ tịch UBND
huyện làm trưởng ban, xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công các thành viên
trong ban chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn; triển khai hội nghị tập huấn và
tổ chức điều tra cung, cầu lao động trên địa bàn huyện làm cơ sở xây dựng đề án;
tổ chức các hoạt động thực hiện đề án...
Trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề này, ông Hoàng Lộc Ninh, Phó Chủ
tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: “Để đề án thực sự phát huy tối đa hiệu quả,
trong thời gian tới, huyện Thọ Xuân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Phối hợp với các cấp, các ngành tìm
thêm nhiều địa chỉ việc làm mới cho người lao động sau khi tốt nghiệp; đồng thời,
nghiên cứu thấu đáo những mô hình ngành nghề phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ
nhưỡng, phong tục, tập quán của người dân địa phương”.