Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một năm mới khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội…”. Nhân dịp đón xuân mới Nhâm Thìn 2012, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, càng thấm thía hơn hết ý nghĩa của việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ - những chủ nhân tương lai của nước nhà.
Chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng trẻ - chủ nhân tương lai của nước nhà Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm và coi trọng thế hệ trẻ. Ngay sau khi đất nước độc lập, trong thư gửi học sinh cả nước ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” và trong cái Tết độc lập đầu tiên, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: “Một năm mới khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Ngày 17 tháng 8 năm 1947 trong thư gửi thanh niên, một lần nữa, Bác Hồ lại khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã đề cập đến một nội dung quan trọng về công tác cán bộ, đặc biệt nhấn mạnh tới nội dung “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ” vì đây là tiền đề cho sự phát triển lâu dài của cách mạng, là yếu tố quyết định cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước. Trong công tác cán bộ, việc chăm lo, bồi dưỡng tới đội ngũ cán bộ trẻ được xem là một khâu không kém phần quan trọng bởi đây chính là nguồn lực cho lớp lãnh đạo tương lai, là căn cứ để tuyển chọn, xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ trẻ.Đối với việc đánh giá cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, cần đảm bảo tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và tính kế thừa đồng thời ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, thành kiến, cục bộ. Đây chính là yếu tố quan trọng đẻ đánh giá cán bộ trẻ và sử dụng họ cho đúng, phát huy được tinh thần xung kích, tính nguyện, năng lực và trí tuệ của cán bộ trẻ.Khi đánh giá cán bộ trẻ cần làm rõ ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống lấy sự tín nhiệm của quần chúng nơi công tác và cư trú, đồng thời cần thực hiện một cách khoa học, tránh hình thức, tiến hành thường xuyên, định kỳ. Bên cạnh đó, cũng cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tập thể lãnh đạo.Một điều quan trọng nữa là cần thực hiện việc trả lương, thu nhập tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sự đóng góp vào việc thực thi nhiệm vụ trong doanh nghiệp. Nhiều bạn trẻ cho rằng, cần tạo môi trường và điều kiện để người lao động nói chung, cán bộ trẻ nói riêng có việc làm và thu nhập tốt hơn nhưng đó cũng chưa phản ánh một cách đầy đủ và toàn diện bởi trong bối cảnh hiện nay và cả trong thời gian tới, việc làm, tiền lương, thu nhập không phải là mối bận tâm hàng đầu mà những người trẻ còn quan tâm tới môi trường làm việc và tính dân chủ trong mỗi đơn vị công tác.Thực tế cũng khẳng định việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của cán bộ trẻ để có biện pháp bồi dưỡng, sử dụng là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Cần thiết phải nêu rõ chủ trương và các giải pháp trọng dụng, sử dụng hợp lý nhân tài, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Cũng không nhất thiết phải đưa nhiều cán bộ trẻ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo mà chỉ cần giữ một tỷ lệ cơ cấu hợp lý để đảm bảo tính kế thừa, qua đó, khuyến khích người trẻ tự vươn lên làm chủ công nghệ, tự rèn luyện tay nghề, tự đào tạo theo ngành nghề, củng cố và trau dồi thêm kỹ năng, nghiệp vụ của chính mình phục vụ sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị...Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước cần quan tâm một cách sâu sát hơn tới công tác thanh niên, tới đội ngũ trí thức trẻ để có thể phát huy được vai trò, lợi thế của tuổi trẻ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng, chính sách thu nhâp, thực hiện phân phối theo hiệu quả lao động, kiên quyết chống chủ nghĩa bình quân, cải thiện điều kiện làm việc cho những người trẻ tài năng là vấn đề then chốt để chống tình trạng “chảy máu chất xám”, thui chột tài năng, Cần có chính sách cụ thể để cất nhắc, đề bạt những thanh niên có tài vào vị trí xứng đáng, đặc biệt là những vị trí đứng đầu trong khu vực công vì chìa khóa của việc nâng cao năng lực thực sự của khu vực công chính là tuyển chọn người đứng đầu. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cấp, nhiều nơi, không ít cán bộ trẻ đã được lựa chọn, quy hoạch vẫn còn rất lúng túng trong hướng phát triển, vẫn thiếu một sự định hướng để được đào tạo hoặc tự đào tạo, hoàn thiện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ cho mục tiêu lâu dài của lĩnh vực công tác. Do đó, cán bộ trẻ cần phải được đào tạo, trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết để phục vụ cho vị trí công tác trước khi nhận nhiệm vụ...Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng” vừa “Chuyên”. Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Thấm sâu lời căn dặn đó, cùng với sự chủ động của thế hệ trẻ ngày nay trong rèn luyện, không ngừng phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ mới, cũng rất cần sự quan tâm sâu sát, chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước cho lực lượng trẻ phát huy vai trò, quyết tâm đưa nước ta trở nên giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Nguồn ĐCSVN-TT |
|