THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA
Nằm ở phía Tây Bắc, cách TP Thanh Hóa gần 40 km, huyện Thọ Xuân ở vào vị trí cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du miền núi; có dòng sông Chu chảy dọc suốt từ đầu huyện đến cuối huyện; rồi sân bay Sao Vàng, đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 47 chạy qua. Gần đây, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng được mở rộng quy hoạch; các khu di tích lịch sử, cách mạng được đầu tư xây dựng, tôn tạo làm cho bộ mặt của Thọ Xuân khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Vị trí địa lý thuận lợi, nên từ Thọ Xuân có thể đi qua Triệu Sơn – Như Xuân để vào Nghệ An mà không phải đi về TP Thanh Hóa. Rồi từ Thọ Xuân cũng có thể theo tuyến Thường Xuân – Bát Mọt, qua Cửa khẩu Khẹo sang đất bạn Lào hoặc đi Ngọc Lặc – Lang Chánh – Bá Thước – Quan Sơn, qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo để sang tỉnh Hủa Phăn. Từ Thọ Xuân cũng có thể đi sang tỉnh Hòa Bình theo con đường qua Ngọc Lặc - Cẩm Thủy - Quan Hóa và đến tỉnh Ninh Bình theo con đường Yên Định - Vĩnh Lộc - Thạch Thành. Nếu theo đường thủy, từ Thọ Xuân, xuôi sông Chu về Ngã Ba Bông, nơi một tiếng gà gáy người dân bốn huyện cùng thức giấc, đến cầu Hàm Rồng cũng có thể ra biển Sầm Sơn hoặc đến được khắp các vùng trong và ngoài tỉnh.
Là vùng đất có bình quân nhiệt độ không khí và lượng mưa ở mức trung bình, Thọ Xuân là địa phương thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng cây công nghiệp và các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao. Hiện nay toàn huyện có 41 đơn vị hành chính bao gồm 38 xã và 3 thị trấn, trong đó có 5 xã miền núi. Qua nhiều giai đoạn cách mạng, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân đã tập trung củng cố, xây dựng, kiện toàn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn. Đến hết năm 2010, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã của Thọ Xuân hầu hết đạt chuẩn.
Có thể khẳng định, so với nhiều địa phương khác, Thọ Xuân là địa phương hội tụ đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có đủ điều kiện và thời cơ để “cất cánh”. Tuy nhiên, niềm tin và sự kỳ vọng về sự bứt phá của Thọ Xuân hiện nay vẫn chưa thật sự ấn tượng là điều mà cấp ủy, chính quyền và Đảng bộ huyện đang phải quan tâm, trăn trở.
KẾT QUẢ KHÁ, NHƯNG CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG
Với lợi thế sẵn có, trong quá trình phát triển kinh tế, Thọ Xuân luôn xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, với sự ra đời và phát triển của ngành công nghiệp mía đường, công nghiệp giấy, sự liên kết “4 nhà” đã tạo nên sự thay đổi cơ bản về cục diện kinh tế cho nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng bán sơn địa và miền núi. Trên cơ sở tác động của khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp của Thọ Xuân đã có sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Một số vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh được hình thành, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Năng suất lúa, năng suất cây lương thực và sản lượng mía nguyên liệu hàng năm tăng lên rõ rệt. Cùng với trồng trọt, cơ cấu đàn gia súc, gia cầm được thay đổi cơ bản theo hướng tăng cả về tổng đàn và năng suất cũng như chất lượng. Sản xuất lâm nghiệp, sau nhiều năm phấn đấu, về cơ bản Thọ Xuân đã chuyển nhanh phương thức sản xuất từ khai thác sang trồng mới, phủ xanh đất trống đồi trọc, khoanh nuôi chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp. Nhiều hộ nông dân đã sống và làm giàu từ chính nghề trồng rừng.
Sản xuất công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp không ngừng tăng về giá trị (trên 19,2%/năm). Một số ngành nghề truyền thống như: cót ép, nứa cuốn, sản xuất gạch ngói, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm... tiếp tục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Nghề trồng dâu, nuôi tằm, nghề truyền thống của một số địa phương vùng ven sông Chu, sau những thăng trầm, nay đã bắt đầu được khôi phục với nhiều tiềm năng và triển vọng. Các nghề như làm bột giấy, mộc cao cấp, đính cườm... phát triển nhanh, có đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của địa phương, cải thiện đáng kể đời sống người lao động.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – thông tin và thể dục - thể thao được chú trọng. Đến nay, toàn huyện đã khai trương xây dựng được 246 làng, khu phố và cơ quan văn hóa. Dịch vụ thông tin điện tử phát triển mạnh trong các cơ quan, doanh nghiệp. Phong trào luyện tập thể dục - thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại phát triển rộng khắp và từng bước được xã hội hóa. Nhiều năm liền, Thọ Xuân được công nhận là đơn vị có đóng góp quan trọng vào hoạt động thể dục - thể thao của tỉnh, nhất là đóng góp vào thành phần các đội tuyển mũi nhọn tham gia thi đấu toàn quốc, khu vực.
Trên lĩnh vực y tế, sau nhiều năm đầu tư, xây dựng, đến nay, 100% trạm y tế trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia. 14/41 trạm y tế có bác sĩ (34,1%). Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng. Toàn huyện đã thực hiện đầy đủ các chương trình y tế quốc gia, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh môi trường,v.v... Vì vậy các loại dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi.
Với phương châm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhiều năm qua, Thọ Xuân đã không ngừng tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Đến nay, hệ thống giáo dục cả 4 cấp đã tương đối hoàn thiện cả về quy mô, hình thức. Cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị học đường được tăng cường, công tác quản lý dạy và học ngày càng chặt chẽ, tiến bộ. Hiện tại, Thọ Xuân có 56 trường chuẩn quốc gia, 100% số xã, thị trấn có trường học cao tầng. 41 trung tâm học tập cộng đồng, 47 hội khuyến học với hàng vạn hội viên đang hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần làm cho chất lượng sự nghiệp giáo dục trên địa bàn ngày càng nâng cao.
Điều đáng chú ý là, trong những năm gần đây, các hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn ngày càng phát triển. Hoạt động dịch vụ du lịch và dịch vụ lễ hội ngày càng tạo sức hút, tập trung ở các Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Khu Di tích lịch sử Lê Hoàn và lăng mộ vua Lê Dụ tông. Với việc đầu tư hiệu quả, trong những năm gần đây công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt, số hộ giàu và khá ngày một tăng.
Kết quả mà Thọ Xuân đạt được là công lao đóng góp của cả đảng bộ và nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế của một địa phương có truyền thống cách mạng, mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, kết quả trên chưa thể làm hài lòng cán bộ và nhân dân địa phương.
TRĂN TRỞ TÌM HƯỚNG ĐỘT PHÁ
Chỉ có đột phá mới tạo nên sự bứt phá để Thọ Xuân xứng đáng là một trong những địa phương tốp đầu của tỉnh. Đấy là trăn trở của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân, đồng thời cũng là mong mỏi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kỳ vọng vào một Thọ Xuân “cất cánh” trong thời kỳ mới. Khẳng định quyết tâm của tập thể lãnh đạo cũng là quyết tâm của toàn đảng bộ được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2010-2015, Thọ Xuân không đợi tỉnh đặt mục tiêu phát triển, mà Thọ Xuân đã và đang chủ động vượt lên. Phát huy truyền thống, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), Trung ương chọn Thọ Xuân làm điểm xây dựng mô hình cấp huyện, rút kinh nghiệm nhân ra toàn quốc. Với nỗ lực của mình, năm 1997, Thọ Xuân được Chính phủ tặng Cờ thi đua. Ngày nay, với nhiều điều kiện thuận lợi hơn, Thọ Xuân không thể tự bằng lòng.
Khó khăn còn nhiều, nhưng để địa phương chậm phát triển là có lỗi với nhân dân. Hiện tại, một số chỉ tiêu còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và yêu cầu của địa phương. Việc này đã được đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Vì vậy, cùng với việc đề ra kế hoạch phát triển toàn diện mang tính chiến lược, lâu dài, Thọ Xuân đang tập trung lãnh đạo thực hiện thành công chủ đề “Đoàn kết - sáng tạo - đổi mới - tăng tốc - bền vững”, quyết tâm thực hiện tốt 4 chương trình công tác trọng tâm từ nay đến năm 2015, đó là: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển doanh nghiệp, trang trại, HTX, phát triển ngành nghề, dịch vụ thương mại, du lịch; Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, phát huy tốt yếu tố động lực của Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, thị trấn Thọ Xuân và Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ CNH, HĐH. Đặc biệt, ngay sau khi có thông báo, kết luận của đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi làm việc với Thọ Xuân, ban thường vụ huyện ủy đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trước mắt, tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn, coi đây là tiền đề, quyết định mọi thắng lợi. Trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ từng năm, rà soát lại những việc đã làm được, những việc còn tồn tại, hạn chế, Thọ Xuân phát động phong trào thi đua “Học tập gương anh hùng của huyện Yên Định” và những cách làm hay của các địa phương bạn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011, chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2012 ngay từ những ngày đầu năm. Trước mắt tập trung ưu tiên cho những chương trình, kế hoạch mang tính đột phá, tạo điểm nhấn cho toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV.
Truyền thống có giá trị vĩnh hằng, là nền tảng cho hiện tại, động lực cho tương lai. Sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ và nhân dân, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành chắc chắn sẽ là điều kiện để Thọ Xuân ổn định và phát triển.
Lê Công Minh (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân)
Theo Báo điện tử Thanh Hóa