61
bạn trẻ vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt sẽ về làm PCT
UBND các xã thuộc 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Là những người dưới
30 tuổi, có bạn trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, có người đã từng đi làm
các ngành nghề khác nhưng họ có chung một chí hướng, một nhiệm vụ được
giao là làm Phó chủ tịch UBND xã.
Cuộc sống ở các Xã vùng cao còn rất nhiều khó khăn
Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức ưu tú, có trình độ Đại
học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả
nước, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện xong việc xét duyệt, tuyển chọn 61
trí thức trẻ. Trước mặt các trí thức trẻ (gọi tắt là đội viên) là những
khó khăn, khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, về những nét văn hóa riêng
mang tính vùng miền và điều kiện công tác.
Để
có cái nhìn toàn diện về những khó khăn mà các đội viên sẽ phải vượt
qua, chúng tôi đã ghi nhận tại một số địa phương chuẩn bị đón nhận trí
thức trẻ về làm PCT xã.
Ngược hàng trăm kilômet từ TP. Thanh Hóa về vùng phía Tây tỉnh Thanh
Hóa, chúng tôi về những xã chuẩn bị đón PCT xã theo dự án 600 trí thức
trẻ. Hầu hết những địa phương chuẩn bị tiếp nhận là những xã vùng cao,
vùng đặc biệt khó khăn và mới chỉ có một Phó chủ tịch xã.
Về vùng đặc biệt khó khăn của huyện Như Xuân (Thanh Hóa) gồm 6 xã mà
người ta thường gọi là vùng Sáu Thanh. Con đường nhựa quanh co nối liền
các xã với nhau dẫn chúng tôi về Thanh Hòa, một trong 6 xã của vùng Sáu
Thanh. Dạo một vòng quanh xã, chẳng có lấy một mét đường bêtông liên
thôn xóm chỉ độc là đường đất lổm nhổm đất đá, trời nắng thì chớ chứ
trời mưa chẳng ai dám đi bằng xe máy. Dừng lại ở một ngã ba đường, gặp
một cụ già người dân tộc Thái, chúng tôi hỏi thăm về thôn xa nhất cách
trung tâm xã bao nhiêu kilômet thì cụ liền nói ngay “thôn cách xa xã
nhất là thôn Thanh Sơn, khoảng 24 km chú ạ, nếu muốn gần hơn thì phải đi
bộ qua đồi và vài con dốc để đến”. Đó có lẽ là điều chúng tôi sũy nghĩ
nhiều nhất và cũng không riêng gì xã Thanh Hòa, hầu như ai cũng biết
rằng giao thông trên những xã vùng cao là vậy, một nét riêng không thể
khác được bởi diện tích tự nhiên ở những nơi này chủ yếu là đồi, núi
lượn quanh.
Tìm về ủy ban xã, chúng tôi gặp anh Lương Xuân Thạch, Chủ tịch xã Thanh
Hòa vào cuối giờ trưa, tuy tiết trời không nóng nhưng mỗi chúng tôi ai
cũng toát mồ hôi bởi những con đường đồi dốc khúc khủy. Qua cái bắt tay
và chén nước có mùi vị là lạ được nấu từ nhiều loại lá rừng (loại lá
người dân vùng cao thường hái ở trong rừng về làm chè uống nước), anh
Thạch bắt đầu chia sẻ những khó khăn của cán bộ ở đây cũng như đời sống
của bà con.
Các bạn Sinh viên trường ĐH công nghiệp TP Hồ Chí Minh tại hè tình nguyện 2011
Anh Thạch cho biết, diện tích tự nhiên của xã là hơn 8.660 ha (87% diện
tích là đất lâm nghiệp) được chia làm 6 thôn, toàn xã chỉ có 496 hộ
(trong đó có 235 hộ nghèo) với gần 2.971 khẩu.
Khi chúng tôi hỏi về dự án 600 trí thức trẻ làm PCT, anh Thạch liền cắt
lời chúng tôi và nói ngay: “Tôi thấy việc Nhà nước đưa ra dự án này rất
phù hợp, chúng tôi ủng hộ lắm. Có cán bộ trẻ về sẽ năng nổ hơn, với lại
các bạn trẻ được đào tạo, có trình độ sẽ xử lý công việc nhanh hơn. Xã
mới nhận được thông báo của huyện, tuy chưa biết là nam hay nữ, ngành
học là gì nhưng tôi tin sức trẻ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ giúp
các bạn vượt qua khó khăn”. Đề cập đến những khó khăn đối với một cán
bộ trẻ mới về khi chưa có kinh nghiệm, anh Thạch có vẻ còn băn khoăn
nhiều điều. Ở đây không như dưới xuôi, có khi cán bộ xuống dân triển
khai kế hoạch, công việc gì đó, người dân họ nghe thì cứ nghe, đồng ý
thì đồng ý nhưng chưa hẳn họ đã làm. Bản thân tôi đã nhiều năm công tác
tôi biết rõ điều đó, hơn nữa xã tôi có tới 95% bà con là người dân tộc
Thái, tôi sợ cán bộ trẻ về mà không biết, hiểu tiếng Thái thì sẽ khó
lắm. Nói rồi anh kể tiếp, có lần anh xuống thôn triển khai lịch nông vụ
cho bà con, khuyến cáo bà con không được cấy vào những ngày rét đậm rét
hại đang diễn ra. Khi đó cả thôn đều đồng ý, nhưng chúng tôi vừa về thì
bà con liền xuống đồng cấy một loạt, không còn cách nào khác chúng tôi
đành phải lập biên bản với bà con nếu sau này lúa mà chết rét thì bà con
tự chịu trách nhiệm, chúng tôi sẽ không miễn giảm thuế, sản.
Khó
thế đấy các chú ạ! Thế rồi chúng tôi rút kinh nghiệm, nếu có triển khai
kế hoạch hay việc làm gì thì cũng phải vận dụng từ thực tế chứ không
thể cứ nguyên tắc mà làm, kể cả chỉ đạo của cấp trên. Và đặc biệt là bản
thân người làm cán bộ phải làm, làm bằng thực tế để bà con thấy việc đó
là đúng, là thực tế chứ chỉ nói bằng lời hay bằng văn bản thì không ăn
thua đâu.
Đề
cấp đến công tác chuẩn bị tiếp nhận đội viên sau khi tập huấn, anh
Thạch cho biết, chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận, biết trước những vấn đề
còn băn khoăn nhưng bằng kinh nghiệm chúng tôi sẽ giúp đỡ các bạn trẻ
sớm hòa nhập. Hiện xã không có khu nhà tập thể, trước tiên nếu các bạn
trẻ về chúng tôi sẽ bố trí ở tại khu tập thể của trường học.
Khác
với Thanh Hòa, xã Bình Lương (Như Xuân) lại có tới 4 dân tộc (Dân tộc
Thái, Thổ, Mương, Kinh) khác nhau cùng chung sống. Anh Đinh Tấn Tuấn,
Chủ tịch UBND xã nói: “Theo tôi, những khó khăn đầu tiên của các bạn trẻ
trong dự án thì hầu như xã nào cũng có, điều quan trọng là cán bộ của
xã đó phải tận tình giúp đỡ các bạn ấy. Hơn nữa bản thân là những người
chưa quá 30 tuổi, tôi tin rằng sức trẻ và bản lĩnh của tuổi trẻ sẽ giúp
họ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, địa
phương rất ủng hộ dự án. Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận các bạn trẻ.
Toàn huyện Như Xuân đợt này có 14 xã được bổ sung PCT, tuy trước mắt các
bạn trẻ còn có nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ họ đều có trình độ, cộng
với sức trẻ thì không lâu sau họ sẽ trở thành những cán bộ đủ đức, đủ
tài để phát triển kinh tế, văn hóa, giúp các địa phương xóa đói, giảm
nghèo như tinh thần dự án đưa ra.
Sau khi ghi nhận về thực tế tại các địa phương, chúng tôi đã tìm gặp
những bạn trẻ, những đội viên của dự án trước ngày nhận công việc.
Bạn Nguyễn Thị Hương, 23 tuổi (người trẻ nhất trong 61 đội viên của
tỉnh Thanh Hóa) và tốt nghiệp ngành Xã hội học với tổng điểm trên 8 điểm
nên trông Hương vừa trẻ trung, nhiệt huyết vừa tỏ ra khá lanh lợi trong
các vấn đề xã hội. Chia sẻ về cảm xúc của mình Hương nói: “Em mới ra
trường và được lựa chọn vào 61 trí thức trẻ về làm PCT xã. Biết tin
trúng tuyển em vui lắm, tuy chưa thực tế làm việc nhưng với kiến thức đã
được học và hướng dẫn của Bộ, ngành em tin mình sẽ làm tốt công việc.
Em là người dân tộc Kinh, em biết lên xã vùng cao công tác sẽ rất khó
khăn nếu không đồng ngôn ngữ nên em xác định ngoài công việc hàng ngày
em sẽ chuyên tâm vào học tiếng của các dân tộc trên địa bàn xã mình công
tác”.
Còn bạn trẻ Bùi Văn Nhân, 25 tuổi, người duy nhất được cử về huyện phía
Tây xa nhất của Thanh Hóa, huyện Mường Lát. Sắp tới Nhân phải rời xa
gia đình hơn 100km để công tác. Là người dân tộc Mường và tốt nghiệp
ngành Sư phạm địa lý, sau khi ra trường Nhân đã từng làm bí thư chi đoàn
tại thôn nhà. Nhân nói, tuy xa gia đình và lên huyện vùng biên của
Thanh Hóa nhưng em không ngại khó khăn. Em nghĩ được phực vụ nhân dân là
em hạnh phúc rồi, em chưa lập gia đình riêng nhưng em cũng chưa nghĩ
tới việc đó, khi nào công việc ổn định em mới tính. Em hứa sẽ cố hết sức
mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa và bộ Nội vụ đang triển khai lớp bồi dưỡng cho
61 trí thức trẻ của Thanh Hóa. Sau hơn 3 tháng nữa họ sẽ chính thức
nhận công tác. Tin rằng những trí thức trẻ bằng trình độ và sức trẻ của
mình sẽ vượt gian nan, hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi chia tay những vùng đất khó đang tĩnh lặng trong bạt ngàn
rừng núi để trở về nơi phố thị đầy ồn ào và nhận ra rằng, đâu đó ở mọi
miền Tổ quốc đang có những con người, những thanh niên dồn cả tuổi xuân
của mình cho quê hương, đất nước vì một ngày mai giàu đẹp hơn.
Bài, ảnh: Văn Hải – PV Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô tại Thanh Hóa