Thanh Hoá hiện nay có khoảng 1 triệu thanh niên. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết năm 2009, toàn tỉnh có khoảng trên 300.000 thanh niên đi lao động tại các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các khu CN, khu chế xuất.
Thanh
niên đi làm ăn xa là một hiện tượng bình thường và tất yếu trong nền
kinh tế thị trường. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế về việc làm
và thu nhập của thanh niên. Bình quân hàng năm ở Thanh Hoá, mỗi huyện
có khoảng 10.000 - 15.000 thanh niên đi làm ăn xa. Điểm đến làm việc là
các thành phố lớn và các tỉnh có các khu công nghiệp lớn như: Hà Nội,
TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai,....Về mặt xã hôi, lực
lượng thanh niên này hàng năm đã tạo ra thu nhập hàng chục tỷ đồng cho
cá nhân và gia đình, góp phần xoá đói, giảm nghèo và giảm sức ép trong
việc giải quyết tình trạng thanh niên không có việc làm trên địa bàn
toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc thanh niên
đi làm ăn xa còn có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Do đặc thù công
việc, họ dành rất ít thời tham gia những sinh hoạt tập thể hay các hoạt
động xã hội, đời sống văn hoá tinh thần chưa được quan tâm, tình trạng
thanh niên vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội vẫn diễn ra...Đối
với tổ chức Đoàn, Hội trong tỉnh, thanh niên đi làm ăn xa đã dẫn đến
thực trạng: Số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt, hoạt
động ở địa bàn dân cư giảm đi rõ rệt, đội ngũ cán bộ Đoàn thôn, bản
thường xuyên biến động, có chi đoàn chỉ còn Bí thư, hoặc phó Bí thư...
việc thực hiện các nhiệm vụ của thanh niên ở địa phương như thực hiện
nghĩa vụ quân sự, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,
dịch bệnh...trở nên hạn chế, khó khăn.
Bên cạnh đó, có một nghịch lý đang diễn ra là tình trạng thiếu lao động
trẻ làm việc tại địa phương. Thanh Hoá là tỉnh có tiềm năng, lợi thế
lớn trong việc phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng, cây đặc sản.
Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về
đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thanh Hoá đã làm tốt
công tác thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh.
Mức lương các doanh nghiệp này trả cho người lao động không thấp hơn so
với các doanh nghiệp tại các địa phương trong nước mà thanh niên đến
làm việc. Hơn nữa, thanh niên vào làm trong các doanh nghiệp tại địa
phương sẽ không còn lo lắng tới những vấn đề của thanh niên đi làm xa
nhà như: chỗ ở, đi lại, đời sống văn hoá tinh thần... Mặc dù vậy, một
thực tế là thanh niên không mặn mà, thiết tha đăng ký làm việc tại các
doanh nghiệp này. Nhiều thanh niên do cảm tính, thích theo bạn bè đi
đến những nơi xa làm việc.
Từ thực trạng trên đặt ra cho tổ chức Đoàn, Hội về vấn đề đoàn kết,
tập hợp, giáo dục và quản lý thanh niên đi làm ăn xa như thế nào cho có
hiệu quả. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, trong
những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ban hành nhiều chủ trương,
giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở, chất lượng sinh hoạt
chi đoàn và đoàn viên. Trong đó, việc tạo sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn
địa phương với thanh niên đi làm ăn xa được xác định là một trong những
nhiệm vụ quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp và giáo dục thanh
niên.
Một trong những giải pháp hiệu quả được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh
triển khai thực hiện là việc tổ chức ngày hội “Tuổi trẻ hướng về quê
hương”. Ngày hội được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, khi thanh niên đi
làm ăn xa về quê ăn tết. Ngày hội tập trung vào 4 hoạt động: Tổ chức
các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ – thể dục thể thao; tổ chức
các hoạt động chung sức vì cộng đồng: Vệ sinh môi trường, trồng cây
xanh, thăm hỏi tặng quà gia đình chính sách, trẻ em nghèo, dâng hương
tại nghĩa trang liệt sỹ...; tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa cấp uỷ chính
quyền, cán bộ Đoàn ở địa phương với thanh niên đang học tập, lao động ở
ngoài địa phương về quê ăn tết; trao đổi kinh nghiệm trong tìm kiếm
việc làm và tạo dựng nghề nghiệp giữa thanh niên đi làm ăn xa và thanh
niên ở địa phương. Tuyên dương những đoàn viên thanh niên tiêu biểu
trong phát triển kinh tế. Qua hoạt động này thanh niên có điều kiện
giao lưu, gặp gỡ, trao đổi những vấn đề về việc làm, cuộc sống và các
hoạt động xã hội khác. Từ đó góp phần bồi đắp thêm sự gắn bó và ý thức
xây dựng quê hương của tuổi trẻ. Tổ chức Đoàn, Hội ở địa phương nắm bắt
được tâm tư , nguyện vọng của thanh niên xa quê.
Để hoạt động có hệ thống và có tính chiều sâu, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo xây
dựng mô hình quản lý thanh niên đi làm ăn xa cấp xã với tên gọi “Tổ,
nhóm thanh niên đi làm ăn xa” nhằm gắn kết và tăng cường các hoạt động
giao lưu, trao đổi, nắm bắt thông tin giữa thanh niên xa quê với nhau
và giữa thanh niên xa quê với các tổ chức Đoàn, Hội ở địa phương. Những
người phụ trách các nhóm này là thanh niên có uy tín, có kiến thức và
am hiểu về hoạt động công tác Đoàn, có kinh nghiệm trong tìm kiếm việc
làm, phát triển kinh tế hoặc thanh niên đi làm ăn xa thành đạt, có tâm
huyết với quê hương. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập hàng
ngàn tổ, nhóm thanh niên đi làm ăn xa.
Qua hai năm thực hiện, ngày hội “Tuổi trẻ hướng về quê hương” và mô
hình quản lý thanh niên đi làm ăn xa đã đem lại một số kết qủa khả quan
như: nhận thức và trách nhiệm của thanh niên đi làm ăn xa hướng về quê
hương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng được nâng cao; tình trạng
thiếu hiểu biết, vi phạm TNXH trong thanh niên đi làm ăn xa được cải
thiện theo chiều hướng tích cực; nhiều gương điển hình trong lao động,
phát triển kinh tế được ghi nhận, biểu dương và nhân rộng...Vào dịp
cuối năm, nhiều Đoàn cơ sở đã tổ chức cho thanh niên đi làm ăn xa quyên
góp hàng chục triệu đồng để trao tặng, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn
cảnh khó khăn, trẻ em nghèo học giỏi, xây dựng quỹ Đoàn, Hội...
Cách làm trên mặc dù đã mang lại những kết qủa theo chiều hướng tích
cực, góp phần đẩy mạnh việc tăng cường, đoàn kết, tập hợp và giáo dục
thanh niên nhưng mới chỉ phản ánh những kết quả bước đầu và mới có tác
dụng đối với những thanh niên đi làm ăn xa có bản lĩnh, trình độ, có
trách nhiệm với gia đình và yêu quê hương. Để giải quyết tốt vấn đề
này, tổ chức Đoàn, Hội cần xây dựng kế hoạch lâu dài và có chiều sâu.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong
tỉnh. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh Hoá tiếp tục
đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, đồng hành cùng thanh niên trên
con đường học tập, lập thân, lập nghiệp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu
các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong đối tượng thanh
niên đi làm ăn xa hiện nay. Điều quan trọng là thông qua các hoạt động
của mình, tổ chức Đoàn, Hội trong tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện giúp
đỡ và hướng thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xoá đói, giảm
nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình/. |
|