Những
việc của nghề nông đối với Bác cũng không có gì xa lạ. Thời kỳ hoạt
động cách mạng ở nước ngoài, khi Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc
tế nông dân, có người thắc mắc, hoài nghi vì Bác khai trong lý lịch là
xuất thân nhà nho, trí thức. Nghề nghiệp chính là thuỷ thủ, họ e rằng
Bác sẽ không có điều kiện để am hiểu các vấn đề nông dân. Sau khi bế
mạc Đại hội nông dân, các đại biểu đi thǎm một nông trang, thấy nông
dân đang lao động, Bác cũng xắn quần xuống giúp một nông dân đang làm
ruộng, việc nhà nông đối với Bác không gì khó khǎn, trong khi các đại
biểu nhiều người đang lúng túng; thì Bác làm nhanh nhẹn như một nông
dân thực thụ, trước con mắt thán phục của mọi người. Có ai biết một
thời Bác ra đồng cùng người dân quê làng Sen làm lụng, hay những lúc đi
trồng nho cùng những người nông dân nghèo khổ ở Bruklin nước Mỹ. Trên
mặt trận báo chí công luận, Bác là người viết nhiều về nông dân, vạch
mặt tố cáo sự bóc lột sức lao động người nông dân của địa chủ cường hào
phong kiến, đẩy nông dân vào con đường bần cùng bằng sưu cao, thuế
nặng. Bác đã tìm ra và chính Người đã thực hiện cương lĩnh giải phóng
người nông dân bằng cuộc cách mạng Tháng Tám lịch sử. Người đã để lại
một di sản có một không hai trong lịch sử loài người, chân dung một
lãnh tụ bên người nông dân. Người Nga, một dân tộc đi đầu tiên phong,
biến người nông dân lao động “thành người tự do”, nhưng nay họ chưa đi
đến nơi đã tạm dừng. Còn người nông dân Việt Nam chúng ta luôn có Bác
Hồ cùng đi bởi không chỉ tư tưởng Bác soi đường mà hình ảnh Bác dung dị
bên người nông dân mãi mãi là chỗ dựa tinh thần để tự hào, tin tưởng và
làm theo lời Người.
Cùng đổ mồ hôi với người nông dân mới
quý hạt gạo, củ khoai, mới xót lòng khi bão lụt ập đến cướp đi thành
quả lao động vất vả của người dân trên ruộng đồng. Ngay sau khi giành
được chính quyền, tuy bận trǎm công nghìn việc, Bác vẫn dành nhiều thời
gian, không chỉ nhắc nhở các địa phương đắp đê chống bão lụt, mà còn
trực tiếp xuống tận các xã để đôn đốc, kiểm tra công việc. Biết tin đê
sông Hồng ở khu vực Hưng Yên, Thái Bình bị vỡ, Bác trực tiếp xuống kiểm
tra việc khắc phục hậu quả để có biện pháp kịp thời cùng chính quyền
địa phương vận động giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khǎn, Bác hỏi cặn kẽ
có mấy người bị nạn, trước hết phải lo cái ǎn để họ khỏi đứt bữa, sau
đến nơi ở và ổn định sinh hoạt cho mọi người, tập trung nhân tài vật
lực để đắp lại chỗ đê bị vỡ. Bác hứa khi nào đắp xong Bác sẽ xuống
thǎm. Thế rồi, giữ đúng lời hứa, bốn tháng sau Bác xuống cắt bǎng khánh
thành chỗ đê vừa mới đắp. Bác đi kiểm tra một lượt, nhìn chỗ giáp ranh
đê mới đê cũ, Người nhắc nhở phải tǎng cường gia cố mới an toàn. Bác
vừa đi vừa nhún thử độ lún, Bác khen đắp nhanh nhưng chưa lèn chặt, cần
tǎng cường thêm lực lượng để đầm thật kỹ mới bảo đảm lâu dài.
Thay mặt “Ban đời sống” mới, nhà vǎn
Nguyễn Huy Tưởng đến báo cáo với Bác là hoạt động của Ban dựa trên 3
nguyên tắc: dân tộc, dân chủ và khoa học, nghe xong, Bác liền nói:
“Trong đồng bào ta chưa mấy người hiểu những từ chú nói mà hiện nay họ
cần là cần cái này”, vừa nói Bác vừa chỉ tay vào bụng, “phải có cái ǎn
đã, nếu không có ǎn không làm gì được. Hoạt động của ban “Đời sống mới”
cũng phải tập trung cái đó đã, vận động bà con “lá lành đùm lá rách”,
tǎng gia sản xuất, cứu đói”. Hậu quả nạn đói nǎm 1945 như một bóng ma
ghê rợn phủ lên cuộc sống đói rách của người nông dân, càng làm không
khí ảm đạm, khó khǎn thêm, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác đi xuống
các địa phương như Ninh Bình, Thái Bình... để đôn đốc việc cứu đói, tổ
chức tǎng gia sản xuất, đắp đê phòng chống thiên tai... Một lần trong
cuộc họp bàn chống đói, Bác nói: “Các chú biết không, người xưa nói
“dân dĩ thực vi thiên”, có đồng chí tưởng Bác nói nhầm bèn chữa lại
thưa Bác “dân dĩ thực vi tiên chứ ạ”, Bác cười và giải thích: “Bác nói
“Dân dĩ thực vi thiên”, người xưa dạy “dân lấy cái ǎn làm trời”, Đảng,
Chính phủ phải lo cái ǎn cho dân không được để dân đói.