NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN
VỀ ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN
HỒ CHÍ MINH
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội
của thanh niên
Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập,
lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục
tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua
các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy
chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ mới, Đoàn tiếp
tục phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của
mình, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc;
kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý
thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh
trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp
trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước; xung kích,
sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp
cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên bổ sung lực lượng
trẻ cho Đảng;
tổ chức động viên đoàn viên, thanh niên cả nước đi đầu trong sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng
Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ
nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng
của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng
nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên
Việt Nam.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống
chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội, các tập thể lao động và gia
đình chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh thiếu nhi; tổ chức cho đoàn
viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội.
Chương I
ĐOÀN VIÊN
Điều 1:
1. Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thanh
niên Việt Nam tiên tiến, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng Cộng
sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc;
có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực; tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, hoạt động xã hội và bảo vệ
Tổ quốc, gắn bó mật thiết
với thanh niên; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn.
2. Thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30, tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, được tìm hiểu về
Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của
Đoàn, có lý lịch rõ ràng đều được xét kết nạp vào Đoàn.
3. Việc kết nạp thanh niên vào Đoàn được tiến hành theo các bước
và thủ tục sau:
- Thanh niên vào Đoàn tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch và được
một trong các tập thể, cá nhân sau đây giới thiệu và bảo đảm:
+ Một đoàn viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng.
+ Tập thể Chi hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt
Nam).
+ Ban Chấp hành Chi hội Sinh viên Việt Nam
(nếu là hội viên Hội Sinh viên Việt Nam).
+ Tập thể chi đội (nếu là đội viên Đội Thiếu
niên Tiền phong Hồ Chí Minh).
- Được hội nghị chi đoàn xét đồng ý kết nạp với sự biểu quyết tán
thành của trên một phần hai (1/2) tổng số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được
Đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định kết nạp. Trường hợp xét kết nạp nhiều người
thì phải xét và quyết định kết nạp từng người một.
Điều 2:
Đoàn viên có nhiệm vụ:
1. Luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học
tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
2. Gương mẫu chấp hành và vận động thanh thiếu nhi thực hiện đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng,
bảo vệ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Chấp hành Điều lệ Đoàn và
các nghị quyết của Đoàn; tích cực
tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt Đoàn và đóng đoàn phí
đúng quy định.
Điều 3:
Đoàn viên có quyền:
1. Yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành.
2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn.
Điều 4:
1. Đoàn viên quá
30 tuổi, chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt
Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.
2. Đoàn viên quá 30 tuổi nếu được bầu cử vào
cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục
hoạt động trong tổ chức Đoàn.
3. Đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng đoàn
phí ba tháng trong một năm mà không có lý do chính đáng thì hội nghị chi đoàn
xem xét, quyết định xóa tên trong danh sách đoàn viên và báo cáo lên Đoàn cấp
trên trực tiếp.
4. Đoàn viên danh dự là những người thực sự tiêu biểu, là tấm
gương sáng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi noi theo, có tâm huyết và có nhiều
đóng góp với Đoàn, có uy tín trong thanh thiếu nhi và xã hội. Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn quy định việc kết nạp đoàn viên danh dự.
5. Đoàn viên được trao Thẻ đoàn viên và có trách nhiệm sử dụng, quản
lý thẻ đúng quy định. Đoàn viên có hồ sơ cá nhân theo mẫu thống nhất áp dụng
trong toàn Đoàn, do Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở quản lý.
Chương II
NGUYÊN TẮC, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN
Điều 5:
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức và hoạt động theo
nguyên tắc tập trung dân chủ:
1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn do bầu cử lập ra, thực hiện
nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là đại hội đại biểu toàn quốc.
Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đoàn viên ở
cấp ấy. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành do đại hội Đoàn
cùng cấp bầu ra; giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban Thường
vụ do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do
Đại hội cấp đó quyết định theo Hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Số
lượng Ủy viên Ban Thường vụ không quá một phần ba số lượng Ủy viên Ban Chấp
hành. Ở cấp Trung ương, số lượng Bí thư Trung ương Đoàn không quá một phần ba số
lượng Ủy viên Ban Thường vụ.
3. Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới
phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.
4. Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết nghị quyết của
Đoàn, các thành viên đều được cung cấp thông tin và phát biểu ý kiến của mình,
ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến
Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện
hành.
Điều 6:
1. Hệ thống tổ chức của Đoàn gồm 4 cấp:
- Cấp Trung ương.
- Cấp tỉnh và tương đương.
- Cấp huyện và tương đương.
- Cấp cơ sở (gồm Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở).
2. Việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc
giải thể một tổ chức Đoàn do Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định.
3. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định cụ thể về phân cấp trong
hệ thống tổ chức của Đoàn.
Điều 7:
1. Nhiệm kỳ đại hội là thời gian giữa hai kỳ đại hội.
2. Đại hội đại biểu cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó triệu tập. Số
lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp
hành cấp đó quyết định theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.
Thành phần đại biểu gồm các Ủy viên Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội, đại biểu
do đại hội Đoàn hoặc hội nghị đại biểu cấp dưới bầu lên và đại biểu chỉ định. Đại biểu chỉ định không
quá năm phần trăm (5%) tổng số đại biểu được triệu tập.
3. Những cán bộ, đoàn viên sau khi được bầu làm đại biểu nếu thôi
công tác Đoàn, hoặc chuyển sang công tác, sinh hoạt Đoàn ở địa phương, đơn vị khác không thuộc Ban Chấp hành cấp triệu tập đại
hội thì cho rút tên khỏi danh sách đoàn đại biểu. Việc cho rút tên và bổ
sung đại biểu của đoàn đại biểu cấp nào do Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ cấp
triệu tập đại hội quyết định.
4. Đại biểu dự đại hội phải được đại hội biểu quyết công nhận về
tư cách đại biểu. Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách
đại biểu do cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ cảnh cáo trở
lên mà chưa được quyết định công nhận tiến bộ.
5. Ban Chấp hành Đoàn các cấp có thể triệu tập hội nghị đại biểu để
kiện toàn Ban Chấp hành, thảo luận văn kiện đại hội cấp trên, bầu đại biểu đi dự
đại hội Đoàn cấp trên. Thành phần hội nghị đại biểu gồm các Ủy viên Ban Chấp
hành cấp triệu tập hội nghị và các đại biểu do Ban Chấp hành cấp dưới cử lên, số
lượng đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập hội nghị quyết định.
Điều 8:
1. Việc bầu cử của Đoàn được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín
hoặc biểu quyết. Riêng bầu Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành; Ủy
ban Kiểm tra và các chức danh trong Ủy ban Kiểm tra; đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp
trên thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
2. Danh sách bầu cử phải được đại hội, hội nghị đại biểu thảo luận
và thông qua bằng biểu quyết.
3. Khi bầu cử, phải có trên một phần hai (1/2) số người có mặt tán
thành thì người được bầu mới trúng cử. Trường hợp số người có số phiếu trên một
phần hai (1/2) nhiều hơn số lượng cần bầu thì lấy những người có số phiếu cao
hơn. Nếu kết quả bầu cử có nhiều người có số phiếu trên một phần hai (1/2) và bằng
phiếu nhau nhưng nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại trong số người bằng phiếu
đó; người trúng cử là người có số phiếu cao hơn, không cần phải trên một phần
hai (1/2). Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu nữa hay không
do đại hội hoặc hội nghị quyết định.
4. Đại hội chi đoàn và Đại hội Đoàn các cấp được trực tiếp bầu Bí
thư khi được sự đồng ý của Đoàn cấp trên trực tiếp và cấp ủy Đảng cùng cấp.
5. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định
nguyên tắc, thủ tục, quy trình bầu cử.
Điều 9:
1. Nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đoàn các cấp là thời gian giữa hai kỳ đại
hội của từng cấp.
2. Ban Chấp hành do đại hội bầu ra phải được Đoàn cấp trên trực tiếp
xét quyết định công nhận. Ban Chấp hành Đoàn khóa mới và người được bầu vào các
chức danh điều hành công việc ngay sau khi được đại hội, hội nghị bầu và được
công nhận chính thức khi có quyết định công nhận của Ban Chấp hành Đoàn cấp
trên trực tiếp.
3. Ủy
viên Ban Chấp hành chuyển khỏi công tác Đoàn thì thôi tham gia Ban Chấp hành
và cho rút tên trong kỳ họp Ban Chấp hành gần nhất. Trường hợp đặc biệt do Ban
Chấp hành xem xét quyết định.
4. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp tỉnh trở xuống khi khuyết thì
do Ban Chấp hành cấp đó thảo luận, thống nhất bầu bổ sung và đề nghị Ban Chấp
hành Đoàn cấp trên ra quyết định công nhận. Số lượng bổ sung trong cả nhiệm kỳ
không quá số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định. Khi cần thiết,
Đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định tăng thêm một số Ủy viên Ban Chấp
hành cấp dưới nhưng số lượng không vượt quá 15% số lượng Ủy viên Ban Chấp hành
đã được Đại hội Đoàn cấp dưới thông qua.
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khi khuyết thì hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương Đoàn bầu bổ sung nhưng không quá hai phần ba số lượng Ủy viên
Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định.
Nếu khuyết Bí thư, Phó Bí thư thì sau khi có ý kiến thống nhất của
cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp, hội nghị Ban Chấp hành bầu trong số Ủy
viên Ban Chấp hành và Đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Trường hợp cần thiết,
Đoàn cấp trên có quyền chỉ định bổ sung sau khi có ý kiến thống nhất của cấp ủy
cùng cấp.
Tiếp tục<