5. Trong cùng một kỳ họp, các Ủy viên Ban Chấp hành vừa được Ban
Chấp hành đồng ý cho rút khỏi Ban Chấp hành vẫn có quyền bầu cử, biểu quyết hoặc
chủ trì phiên họp bầu bổ sung Ban Chấp hành, các chức danh.
6. Ủy viên Ban Chấp hành không tham gia họp Ban Chấp hành 3 kỳ liên tục trong nhiệm kỳ mà không có lý do chính
đáng thì xóa tên trong Ban Chấp hành. Việc
xóa tên do Ban Chấp hành cùng cấp xem xét quyết định và báo cáo lên Đoàn cấp
trên trực tiếp.
7. Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn các cấp nếu trong độ tuổi đoàn viên
phải tham gia sinh hoạt với một chi đoàn, nếu ngoài độ tuổi đoàn viên thì có chế
độ định kỳ tham gia sinh hoạt, hoạt động với cơ sở Đoàn.
8. Đối với tổ chức Đoàn mới thành lập, Đoàn cấp trên trực tiếp chỉ
định Ban Chấp hành lâm thời. Không quá sáu tháng kể từ khi có quyết định thành
lập phải
tổ chức đại hội để bầu Ban Chấp hành chính thức. Nếu kéo dài thời gian lâm thời
phải được cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý nhưng không quá nửa
nhiệm kỳ Đại hội của cấp đó kể từ khi có quyết định thành lập.
Điều 10:
1. Đoàn từ cấp huyện trở lên được lập cơ quan chuyên trách để giúp
việc.
2. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách cấp
huyện và cấp tỉnh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn và thực hiện theo
quy định của Đảng.
Chương III
CƠ
QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐOÀN Ở CẤP TRUNG ƯƠNG,
CẤP
TỈNH, CẤP HUYỆN
Điều 11:
1. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh có nhiệm kỳ là 5 năm, do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn triệu
tập.
2. Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban
Chấp hành Trung ương Đoàn; quyết định phương hướng nhiệm vụ công tác của Đoàn
và phong trào thanh thiếu nhi toàn quốc của
nhiệm kỳ; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; thông qua Điều lệ Đoàn.
Điều 12:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn có nhiệm vụ chấp hành Nghị
quyết của Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc, lãnh đạo công tác xây dựng Đoàn, Hội,
Đội; tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc
và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; báo cáo về hoạt động của mình với
đại hội hoặc hội nghị đại biểu toàn quốc; kiến nghị, đề xuất và phối hợp với
các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức
kinh tế, xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác của Đoàn
và phong trào thanh thiếu nhi.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được thực hiện thí điểm một
số chủ trương mới xuất phát từ thực tiễn công tác Đoàn và phong
trào thanh thiếu nhi; điều chỉnh nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc khi được
sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội
đại biểu cấp tỉnh khi cần.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn một năm họp ít nhất hai
kỳ.
Điều 13:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn bầu Ban Thường vụ, Bí thư thứ nhất
và các Bí thư trong số Ủy viên Ban Thường vụ; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Đoàn và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trong số Ủy viên Ủy ban Kiểm tra.
2. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn gồm Bí thư
thứ nhất, các Bí thư, các Ủy viên Thường vụ. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thay mặt Ban
Chấp hành lãnh đạo các cấp bộ Đoàn trong việc thực hiện nghị quyết đại hội và
các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
3. Ban Bí thư Trung ương Đoàn gồm Bí thư thứ nhất và các Bí thư,
thay mặt Ban Thường vụ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện
các nghị quyết của Đoàn; chuẩn bị các vấn đề trình Ban Thường vụ xem xét, quyết
định các chủ trương công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và giải quyết các
công việc hằng ngày của Đoàn. Ban Bí thư Trung ương Đoàn làm việc theo chế độ tập
thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Điều 14:
1. Đại hội đại biểu của Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và tương
đương có nhiệm kỳ là 5 năm 1 lần. Đại hội đại biểu Đoàn các trường đại học,
cao đẳng là 5 năm 2 lần.
2. Đại hội thảo luận
và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng,
nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của cấp mình; bầu Ban Chấp
hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu
đi dự Đại hội Đoàn cấp trên.
Điều 15:
1. Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương lãnh đạo
thực hiện nghị quyết Đại hội cấp mình; nghị quyết, chỉ thị của Đoàn cấp trên
và cấp ủy cùng cấp; báo cáo về hoạt động của mình với đại hội hoặc hội nghị
đại biểu cùng cấp; kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội để giải quyết
những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
2. Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh và tương đương
một năm họp ít nhất hai kỳ; Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện và tương
đương một năm họp ít nhất bốn kỳ.
Điều 16:
1. Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện
và tương đương bầu Ban Thường vụ; bầu Bí thư, các Phó Bí thư trong số Ủy viên
Ban Thường vụ; bầu Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trong số Ủy viên Ủy
ban Kiểm tra của cấp mình.
2. Ban Thường vụ Đoàn từ cấp tỉnh, cấp huyện và
tương đương gồm Bí thư, các Phó Bí thư và các Ủy viên Ban Thường vụ. Ban Thường
vụ thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo mọi mặt công tác của Đoàn giữa hai kỳ hội
nghị Ban Chấp hành.
3. Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh được quyết định kéo dài, rút ngắn
nhiệm kỳ Đại hội Đoàn cấp huyện và cấp cơ sở để phù hợp với nhiệm kỳ chung
nhưng không quá nửa nhiệm kỳ của cấp đó.
Chương IV
TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐOÀN
Điều 17:
1. Tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi
đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo
ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở
trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức cơ sở Đoàn có thể trực thuộc Đoàn cấp huyện, Đoàn cấp tỉnh tùy
thuộc vào tính đặc thù của từng đơn vị.
3. Chi đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn
kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Chi đoàn sinh hoạt định kỳ một
tháng một lần; đối với các đơn vị đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường
vụ Trung ương Đoàn.
4. Đơn vị có ba đoàn viên trở lên được thành lập chi đoàn. Nếu
chưa đủ ba đoàn viên thì Đoàn cấp trên giới thiệu đến sinh hoạt ở một tổ chức
cơ sở Đoàn thích hợp. Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn.
5. Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ hai
chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập Đoàn cơ sở.
6. Trong một địa bàn, lĩnh vực hoạt động có nhiều chi đoàn, có nhu
cầu liên kết, phối hợp thì có thể thành lập liên chi đoàn.
7. Các đội thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh
niên xung kích, các đội hình lao động trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội,
giữ gìn quốc phòng, an ninh có thời hạn xác định được thành lập tổ chức Đoàn
theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.
Điều 18:
1. Đại hội đoàn viên của chi đoàn, chi
đoàn cơ sở; Đại hội đoàn viên hoặc Đại hội đại biểu của Đoàn cơ sở do Ban Chấp
hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở, Đoàn cơ sở triệu tập.
2. Nhiệm kỳ Đại hội của chi đoàn và tổ
chức cơ sở Đoàn:
- Đại hội chi đoàn, Đoàn Trường trung học phổ thông, Đoàn Trung
tâm Giáo dục thường xuyên và Đoàn Trường dạy nghề là một năm một lần.
- Đại hội chi đoàn
cơ sở, Đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, Đoàn
các trường trung cấp chuyên
nghiệp là 5 năm 2 lần.
- Đại hội Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn là 5 năm
1 lần.
3. Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua
các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ công
tác nhiệm kỳ; bầu Ban Chấp hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp
trên và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên (nếu có).
Điều 19:
1. Chi đoàn có dưới 9 đoàn viên chỉ bầu Bí thư, Phó Bí thư; từ 9
đoàn viên trở lên bầu Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở bầu Ban Thường vụ (nếu
có), Bí thư, Phó Bí thư.
2. Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở và
Đoàn cơ sở mỗi tháng họp ít nhất một kỳ, ở những nơi đặc thù do Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn quy định.
Điều 20:
Tổ chức cơ sở Đoàn có nhiệm vụ:
1. Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
2. Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn
viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế,
văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.
3. Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và
các tổ chức kinh tế - xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng
Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng,
bảo vệ Đảng và chính quyền.
Điều 21:
Tổ chức cơ sở Đoàn có quyền:
1. Kết nạp đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, tiếp nhận, chuyển
sinh hoạt Đoàn; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới
thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước,
các đoàn thể và tổ chức kinh tế - xã hội.
2. Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm đoàn kết, tập hợp
thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp
với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội tạo môi trường, điều
kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.
3. Tổ chức các hoạt động tạo thêm việc làm và
thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của
Đoàn; được sử dụng con dấu hợp pháp.
Chương V
ĐOÀN KHỐI, ĐOÀN NGÀNH,
ĐOÀN Ở NGOÀI NƯỚC
Điều 22:
1. Đoàn khối được thành lập từ cấp huyện trở lên tương ứng với cơ
cấu tổ chức của Đảng.
Đoàn ngành được thành lập ở cấp tỉnh và Trung
ương khi tổ chức Đảng, chính quyền của các ngành đó lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất
từ trên xuống đến cơ sở.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Đoàn khối,
Đoàn ngành do Đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp quyết định.
3. Ban Cán sự Đoàn được thành lập theo hướng dẫn của Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn.
Điều 23:
Tổ chức Đoàn khối, Đoàn ngành liên hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động
với tổ chức Đoàn ở các địa phương.
Điều 24:
Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ,
quyền hạn của tổ chức Đoàn ở ngoài nước do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.
Chương VI
TỔ CHỨC ĐOÀN TRONG
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM
Điều 25:
1. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Quân đội
nhân dân Việt Nam
là bộ phận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của tổ chức Đoàn
trong Quân đội nhân dân Việt Nam
do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân
dân Việt Nam
quy định.
3. Tổ chức Đoàn trong Quân đội liên hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động
với tổ chức Đoàn địa phương nơi đóng quân; được giới thiệu người tham gia vào
Ban Chấp hành Đoàn ở địa phương.
Điều 26:
1. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Công an nhân dân là
bộ phận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
ủy Công an Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh, sự chỉ đạo thường xuyên của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân
dân.
2. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn và Tổng cục Xây dựng lực lượng
Công an nhân dân hướng dẫn tổ chức và hoạt động Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh trong Công an nhân dân.
Chương VII
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT
CỦA ĐOÀN VÀ
ỦY BAN KIỂM TRA CÁC CẤP
Điều 27:
1. Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đoàn. Tổ chức Đoàn
phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đoàn, đoàn viên và cán bộ
Đoàn chịu sự kiểm tra, giám sát của Đoàn.
2. Các cấp bộ Đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức
thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức Đoàn và đoàn viên chấp hành Điều
lệ Đoàn, nghị quyết của Đoàn.
Điều 28:
1. Ủy ban Kiểm tra của Đoàn được thành lập
từ Trung ương đến cấp huyện do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra. Nhiệm kỳ của Ủy
ban Kiểm tra mỗi cấp theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng cấp. Ủy ban Kiểm tra
có một số Ủy viên Ban Chấp hành, song không quá một phần hai (1/2) số lượng Ủy
viên Ủy ban Kiểm tra. Số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra mỗi cấp do Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn quy định.
2. Việc công nhận Ủy ban Kiểm tra do Ban
Chấp hành cùng cấp đề nghị, Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định. Việc
cho rút tên trong danh sách Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành cùng cấp quyết định
và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp. Việc bổ sung và cho rút tên Ủy viên Ủy
ban Kiểm tra Trung ương Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn xem xét, quyết định.
3. Tổ chức Đoàn cơ sở và chi đoàn cử một Ủy
viên Ban Chấp hành phụ trách công tác kiểm tra.
Điều
29:
Ủy
ban Kiểm tra các cấp có nhiệm vụ:
1.
Tham mưu cho Ban Chấp hành kiểm tra việc thi hành Điều lệ, nghị quyết, chủ
trương của Đoàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, thanh niên.
2. Kiểm tra cán bộ, đoàn viên (kể cả Ủy viên
Ban Chấp hành cùng cấp) và tổ chức Đoàn cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều
lệ của Đoàn.
3.
Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra,
giám sát, thi hành kỷ luật của tổ chức
Đoàn cấp dưới.
4. Giám sát Ủy viên Ban Chấp hành, cán bộ Đoàn cùng
cấp và tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết và quy
định của Đoàn.
5.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đoàn viên và nhân dân liên quan đến
cán bộ, đoàn viên; tham mưu cho Ban Chấp hành về việc thi hành kỷ luật Đoàn.
6.
Kiểm tra công tác đoàn phí, việc sử dụng các nguồn quỹ khác của các đơn vị trực
thuộc Ban Chấp hành cùng cấp và cấp dưới.
Điều
30:
Ủy
Ban Kiểm tra các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu sự lãnh đạo
của Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp và sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra cấp trên.
Ủy
ban Kiểm tra cấp trên có quyền yêu cầu tổ chức Đoàn cấp dưới và cán bộ, đoàn
viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm
tra, giám sát; tham mưu cho Ban Chấp hành cùng cấp thay đổi hoặc
xóa bỏ quyết định kỷ luật của cấp bộ Đoàn cấp dưới.
Chương VIII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT CỦA ĐOÀN
Điều 31:
1. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu
nhi, tổ chức Đoàn, Hội, Đội và những tập thể, cá nhân có công trong sự nghiệp
đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội và phong
trào thanh thiếu nhi đều được Đoàn xem xét khen thưởng hoặc đề nghị các cấp
chính quyền khen thưởng.
2. Các hình thức khen thưởng của Đoàn do
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.
Điều 32:
1. Việc thi hành kỷ luật của Đoàn nhằm
thống nhất ý chí và hành động, bảo đảm kỷ cương của Đoàn và giáo dục cán bộ,
đoàn viên.
Cơ quan lãnh đạo của Đoàn và cán bộ,
đoàn viên khi vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời và
được thông báo công khai.
2. Hình thức kỷ luật:
Tùy theo mức độ, tính
chất vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đoàn viên và cơ quan lãnh đạo của Đoàn mà
áp dụng một trong những hình thức kỷ luật sau:
- Đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn: Khiển
trách, cảnh cáo, giải tán.
- Đối với cán bộ Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo,
cách chức, khai trừ (nếu còn là đoàn viên).
- Đối với đoàn viên: Khiển trách, cảnh
cáo, khai trừ.
Điều 33: Thẩm quyền thi hành kỷ luật
Những tổ chức có thẩm quyền quyết định gồm:
- Chi đoàn và chi đoàn cơ sở.
- Ban Chấp hành từ Đoàn cơ sở trở lên.
1. Đối với đoàn
viên: Khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị chi đoàn thảo luận và biểu quyết
hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số đoàn viên có mặt tại hội
nghị. Từ hình thức cảnh cáo trở lên do Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định.
2. Đối với cán bộ: Ủy viên Ban Chấp hành
Đoàn các cấp khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp thảo
luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số Ủy
viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị, Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định.
Đối với Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương Đoàn khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành
Trung ương Đoàn thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên
một phần hai số Ủy viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị.
3. Đối với cán bộ không phải là Ủy viên
Ban Chấp hành, khi vi phạm kỷ luật thì cấp quản lý và quyết định bổ nhiệm ra
quyết định kỷ luật.
Điều 34:
1. Trước khi quyết định kỷ luật, tổ chức
Đoàn có trách nhiệm nghe cán bộ, đoàn viên hoặc đại diện tổ chức Đoàn bị xem
xét kỷ luật trình bày ý kiến.
2. Mọi hình thức kỷ luật chỉ được công bố
và thi hành khi có quyết định chính thức.
3. Sau khi công bố quyết định kỷ luật, nếu
người bị kỷ luật không tán thành thì trong vòng 30 ngày có quyền khiếu nại lên
Ban Chấp hành Đoàn cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Trong thời
gian chờ đợi trả lời phải chấp hành quyết định kỷ luật.
Điều 35:
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn
thực hiện quy trình kỷ luật; công nhận tiến bộ, hết thời hạn áp dụng hình thức
kỷ luật, xóa hình thức kỷ luật và giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào các chức
vụ lãnh đạo Đoàn các cấp đối với cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật đã tiến bộ và hết
thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật.
Chương IX
ĐOÀN VỚI CÁC TỔ CHỨC HỘI CỦA
THANH NIÊN
Điều 36:
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ
vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh
viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Điều 37:
Ban Chấp hành Đoàn
các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội
Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ theo Điều lệ của các tổ chức đó.
Tiếp tục