Năm 2010, sau khi khảo sát địa hình tại 2 khu vực Cọ Vàng và Đồng Dinh thuộc
khu vực xóm 3 và xóm 4 xã Xuân Châu (Thọ Xuân), thấy địa hình đất đai ở đây bằng
phẳng, bên cạnh lại có nguồn nước tự nhiên ở hồ Long Hồ rất thuận lợi cho việc
ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thâm canh mía theo công nghệ cao, Công ty CP
Mía đường Lam Sơn đã phối hợp với chính quyền xã Xuân Châu lựa chọn các hộ dân
và xã viên Hợp tác xã (HTX) Mía đường Xuân Châu triển khai trồng mía theo công
nghệ tưới nhỏ giọt trên diện tích 35,5 ha với 25 hộ tham gia. Ban đầu công ty
đã triển khai các chính sách ưu đãi cho các hộ tham gia thực hiện mô hình như:
hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án 20 triệu đồng, còn lại nhà máy đầu tư cho vay
không tính lãi 50 triệu đồng/ha, thời gian hoàn trả là 5 năm, kể từ năm đầu có
mía thu hoạch (mỗi năm 10 triệu đồng, tương ứng với 20 tấn mía). Hộ trồng mía
có thể trực tiếp ký hợp đồng nhập thiết bị của Nettafim hoặc nhờ Công ty CP Mía
đường Lam Sơn hợp đồng mua nhập thiết bị và đầu tư bằng thiết bị cho hộ trồng
mía. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ trồng mía năm đầu tiên không tính lãi, với số
tiền 10 triệu đồng/ha/hộ để mua giống, cày bừa làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu
và một phần công trồng, chăm sóc. Công ty cử cán bộ dự án có trình độ kỹ thuật
hướng dẫn và chuyển giao công nghệ lắp đặt, vận hành hệ thống thiết bị tưới nước,
trồng mía và cung cấp thông tin, tài liệu kỹ thuật miễn phí.
Anh Vũ Đình Hiền, xã viên HTX Mía đường Xuân Châu cho biết: Gia đình anh
trồng 5 ha mía chuyên cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Những
năm trước, khi chưa áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây mía, khi cây mía
bước vào thời điểm sinh trưởng cũng là lúc hạn hán thiếu nước trầm trọng. Hầu
như vụ nào cứ đến thời gian này, bài toán đi tìm nguồn nước tưới cho cây mía
luôn được đặt ra cho không chỉ riêng gia đình anh mà còn với cả trăm hộ dân trồng
mía nơi đây. Vì thế, sau khi được Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho đi tập huấn
giới thiệu chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ, đầu tư về vốn hệ thống tưới
nước nhỏ giọt cho 5 ha mía, niên vụ mía 2010- 2011, trên diện tích trồng mía theo
công nghệ tưới nhỏ giọt, năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha.
Ông Phạm Công Nhân, Chủ nhiệm HTX Mía đường Xuân Châu, cho biết: Trước đây,
với phương pháp trồng cũ, năng suất mía chỉ đạt khoảng 45 - 50 tấn/ha, trữ đường
thường thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Từ vụ mía 2010, HTX áp dụng công nghệ
tưới nước nhỏ giọt chìm, năng suất mía đạt trên 100 tấn/ha, trừ chi phí sản xuất
và tiền xây dựng cơ bản, mỗi 1 ha thu lãi trên 30 triệu đồng. Tuy mới đưa vào
sử dụng nhưng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây mía được bà con nông dân nhiệt tình
hưởng ứng bởi công nghệ này đã đáp ứng được nguồn nước tưới cho mía. Việc áp dụng
công nghệ tưới nước nhỏ giọt đã làm thay đổi nhận thức, tập quán của người trồng
mía trên đất Xuân Châu. Sản xuất mía được tổ chức theo hướng tập trung, thâm canh;
quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc được bảo đảm, mở ra triển vọng nâng cao năng
suất, chất lượng mía và thu nhập cho người trồng mía. Niên vụ mía 2011-2012, diện
tích mía ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt được mở rộng lên 45,5 ha.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vẫn tồn tại một số bất cập,
đó là quy trình công nghệ cao, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều yếu tố từ
thiết bị, nguồn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho đến yếu tố điện, nước
phục vụ vận hành... Thêm vào đó, nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, đường ống tưới
chôn chìm dưới đất thường bị sâu, lụy phá hoại... đã làm giảm hiệu quả của hệ
thống. Bên cạnh đó, Xuân Châu là xã vùng cao nên việc ứng dụng công nghệ tưới
chỉ áp dụng được ở vùng chủ động về nguồn nước, còn ở các vùng đất cao, nguồn
nước hạn chế thì việc áp dụng mô hình này vẫn còn nhiều bất cập, cần có sự hỗ
trợ của công ty để ứng dụng và mở rộng diện tích trồng mía theo công nghệ mới.