Thiết thực kỷ niệm 60 năm chiến thắng
Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2014); Nhằm ôn lại những kỷ niệm trong kháng
chiến chống Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng; đồng thời thắt
chặt tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ cán bộ đoàn. Trong 03 ngày,
từ ngày 15 – 17/4/2014 BCH Huyện Đoàn Thọ Xuân phối hợp với CLB Cán bộ Đoàn
huyện Thọ Xuân và Câu lạc bộ Hưu trí Lam Sơn tổ chức hoạt động về nguồn, tham
quan di tích lịch sử tại Sơn La – Điên Biên.
Đoàn dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ tại di tích Nhà tù Sơn La
Điểm đầu tiên của đoàn là thăm và
dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ tại di tích Nhà tù Sơn La - nơi giam giữ
các chiến sĩ cách mạng kiên trung của ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhà
tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908, chúng đã biến nơi đây thành
địa ngục để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản
Việt Nam. Nơi đây đã từng giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong
đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như Lê Duẩn, Trường
Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ
Thạch, Xuân Thủy, Song Hào…
Nhưng cũng
chính tại đây, khí tiết của những người chiến sỹ cộng sản đã toả sáng và thắp
lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành
một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng
Việt Nam những chiến sỹ cộng sản như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường
Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và bao
đồng chí trung kiên khác. Trải qua hai trận đánh phá bằng bom của giặc Pháp
(năm 1952) và đế quốc Mỹ (năm 1965) nhằm xóa dấu vết bao tội ác do bọn chúng
gây ra, nhà tù chỉ còn là một bãi gạch đá tan hoang. Sau ngày nước nhà hòa bình
thống nhất, Bảo tàng Sơn La mới có điều kiện phục chế lại hai tháp canh và một
phần nhà tù, còn để nguyên trạng vì không sưu tầm được hồ sơ thiết kế, bản vẽ
chi tiết…
Rời mảnh đất Sơn La anh hùng, đoàn đến với thành phố
Điện Biên, nơi mà cách đây 60 năm, quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng lừng
lẫy năm châu, nơi lưu giữ chiến tích oai hùng, cũng là nơi nhắc nhở mỗi người
Việt Nam chúng ta không bao giờ quên sự mất mát hy sinh của các anh hùng liệt sỹ
trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Đoàn thăm
Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng
Đoàn đã thăm
Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, là cơ quan đầu
não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biện Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh
tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đán mà đỉnh cao
là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày mùng 07/5/1954. Quân ta
đã bắt sống và tiêu diệt 16.200 tên địch của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ,
làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hiện nay khu di tích lịch sử Mường Phăng đã
trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo với một số hạng mục như bia, biển, hầm, lán
làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, trưởng
đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh…
Điểm tiếp theo của đoàn là Bảo tàng Điện Biên Phủ,
nghĩa trang liệt sỹ A1, cứ điểm Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng và Hầm chỉ huy tướng
Đờ cát.
Đoàn dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sỹ A1Đoàn thăm cứ điểm Đồi A1
Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng năm 1984 nhân kỷ
niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm 5 khu trưng bày với gần 300 hiện vật
và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật. Bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị
lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là ký ức từ thế hệ cha
ông trao gửi cho thế hệ chúng ta hôm nay và các thế hệ tiếp nối.
Nghĩa trang
liệt sỹ A1 nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ) vài
trăm mét về phía nam, được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những
cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt
sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Nghĩa trang ngày nay như một nhân
chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ
công ơn các Anh hùng liệt sỹ, truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh để
phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện.
Đồi
A1 là một quả đồi nằm ở phía Đông của Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ. Là điểm quyết chiến chiến luợc giữa ta và địch từ sau ngày giải phóng đã
trở thành
một trong những di tích của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Di tích đồi
A1 được bảo tồn, tôn tạo và tu bổ giữ gìn, đến nay một số hạng mục tiêu biểu
đã được khôi phục nhằm tái hiện một phần cục diện cuộc chiến năm 1954 giữa một
bên là quân và dân Việt Nam anh hùng với một bên là đội quân xâm lược nhà nghề
của thực dân Pháp như: Hầm chỉ huy cứ điểm và hầm đại liên trên đỉnh đồi; lô
cốt cây đa cụt ụ thằng người và 10 lô cốt khác trong tổng số 37 lô cốt của
địch; Hai hầm chỉ huy của bộ đội ta; Hố bộc phá và đường hầm đặt bộc phá; 1030
mét hào lộ thiên và 92 mét đường hào có nắp trong tổng số gần 4.000 mét đường
hào của địch; 52 mét đường hào tiến công chiến đấu của quân ta; 7.155 mét vuông
hàng rào và 400 mét đường phản kích của địch. Tại một số hầm của ta và địch có
trưng bày một số hiện vật, ma nơ canh để tái hiện một cách sinh động nhất trận
chiến lịch sử tại cứ điểm này.
Nhà trưng bày chiến thắng lịch sử Điện Biên PhủTượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là một tượng đài để kỷ niệm sự kiện trận Điện Biên Phủ
năm 1954. Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng
vào nhau, nâng một em bé Thái,
trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng với chiều cao 12,6m, bệ tượng cao
3,6m, nặng 220 tấn.
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở
trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện
Biên, tỉnh Điện Biên. Hầm chỉ huy được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt,
ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai dày đặc. Hiện nay, cấu trúc và cách bố
trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát
đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như: thủ tướng Pháp Joseph Laniel, tổng thống
Mỹ Dwight Eisenhower, thủ tướng Anh Winston Churchill cũng như các nhà báo nổi
tiếng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường
55 ngày đêm mới có thể hạ được hầm này. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật,
chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ
Cát tại bàn làm việc. Và cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm Đờ
Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam.
Hành quân về nguồn đã
mang lại niềm xúc cảm lớn trong mỗi thành viên trong đoàn, các đồng chí cực cán
bộ đoàn dù tuổi đã cao nhưng với những gì đã chứng kiến, càng tự hào về dân tộc
Việt Nam, về truyền thống cách mạng của nhân dân ta, về Đảng quang vinh, Bác Hồ
vĩ đại, nguyện tiếp tục rèn luyện, đóng góp những sức lực còn lại và kinh nghiệm
hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu nhi, thúc đẩy
phong trào thanh niên và công tác đoàn ở địa phương phát triển vững mạnh.
CLB Cán bộ Đoàn huyện Thọ Xuân